Mỹ sẽ thay Saudi Arabia bù lượng dầu thiếu hụt?

Dầu đá phiến Mỹ có năng lực xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng chưa đủ lực để thay thế Saudi Arabia.

Reuters mới đây dẫn lời các chuyên gia năng lượng cho thấy, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ khó có thể thay thế được lượng dầu của Saudi Arabia bị ảnh hưởng từ cuộc tấn công vào các cơ sở khai thác của Tập đoàn Saudi Aramco.

Khói bốc lên từ các cơ sở dầu mỏ của Saudi Aramco sau vụ tấn công. Ảnh: WAM REPORT

Khói bốc lên từ các cơ sở dầu mỏ của Saudi Aramco sau vụ tấn công. Ảnh: WAM REPORT

Dù dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu từ tháng 6 năm nay, các nhà sản xuất đá phiến Mỹ đã cắt giảm ngân sách và công nhân, cắt giảm các mục tiêu sản xuất, ưu tiên trả cổ tức cho các cổ đông thay vì mở rộng các cơ sở khoan dầu.

Dầu đá phiến là nguồn cung cấp dầu theo chu kỳ ngắn. Nhà sản xuất cần tới 90 - 180 ngày để từ bước lắp đặt các giàn khoan, hoàn thành chúng và cung cấp ra thị trường. Nếu trong thời gian này mở thêm các giàn khoan mới, cũng không kịp cung cấp thay thế.

Theo Bernadette Johnson - chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Công ty Enverus, ở Mỹ có khoảng 1.000 giếng đã được khoan nhưng chưa hoàn thành hoặc nối với đường ống.

Giới quan sát cho rằng, nếu các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu tại Saudi Arabia dẫn đến giá dầu Mỹ duy trì trong khoảng 60 USD/thùng, nó có thể khiến các nhà đầu tư Mỹ tăng rót tiền cho những giàn khoan mới, làm sản lượng của Mỹ tăng trung bình khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào năm tới, từ khoảng trung bình 1 triệu bpd trong năm nay.

Tuy nhiên, bà Bernadette Johnson cho hay, dầu ở ngưỡng 60 USD/thùng sẽ có thể thúc đẩy hoạt động tăng giàn khoan ở cánh đồng khai thác dầu Eagle Ford Shale ở Nam Texas.

Dầu đá phiến cùng loại với dầu siêu ngọt nhẹ mà Saudi Arabia đang bị thiếu hụt do cuộc tấn công. Tuy nhiên, lượng khai thác tăng lên cũng khó có thể bù đắp với lượng thiếu hụt của Saudi Arabia.

Vụ tấn công vào cơ sở dầu của Saudi Aramco làm ảnh hưởng đến các hoạt động cung cấp dầu của Tập đoàn này không thúc đẩy các nhà khai thác Mỹ có kế hoạch gia tăng sản lượng trong ngắn hạn. Đại diện của những nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ như Exxon Mobil Corp (XOM.N), Royal Dutch Shell (RDSa.L) và Chevron Corp (CVX.N) đều từ chối bình luận về khả năng tăng sản lượng bù nguồn cung.

Andy Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates cho biết, các công ty dầu khí của Mỹ hoạt động trong lưu vực Permian sẽ không thay đổi kế hoạch trong tuần này dựa trên những gì đã xảy ra ở Saudi Arabia.

Các kế hoạch trong ngắn hạn không được đặt ra đã kích hoạt phản ứng nhanh chóng của Tổng thống Mỹ.

Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã cho phép trích xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này, sau khi các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu thô của nước này bị giảm một nửa.

Kho dầu chiến lược Mỹ (có tên viết tắt là SPR) do Bộ Năng lượng Mỹ quản lý là một khu phức hợp gồm 4 điểm nằm sâu 600-1.200m dưới lòng đất ven biển Texas và Louisiana, được canh gác cẩn mật. Theo trang web chính thức của SPR, kho dầu dự trữ lớn nhất thế giới này đang lưu trữ gần 645 triệu thùng dầu, trong đó gồm 395 triệu thùng dầu thô nặng và 250 triệu thùng dầu thô ngọt.

Theo quy định luật pháp của Mỹ, chỉ có tổng thống mới có toàn quyền ra lệnh sử dụng SPR. Từ khi được thành lập vào năm 1975 cho đến nay, Mỹ mới sử dụng SPR 3 lần.

Với trữ lượng khổng lồ, SPR có thể sẽ sớm đáp ứng lượng dầu thiếu hụt cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc cung cấp dầu cho các thị trường châu Á sẽ gặp trở ngại do khoảng cách địa lý.

Hơn nữa, dù được gọi là kho dầu khẩn cấp song việc rút dầu từ SPR không đồng nghĩa với việc nguồn cung toàn cầu ngay lập tức được hồi phục. Quá trình dầu được rút ra khỏi kho và sau đó đưa vào thị trường của người mua và người bán có thể mất khoảng hai tuần.

Ông Trump sốt sắng dùng dầu dự trữ tranh thủ thị trường nhưng khó kịp. Ảnh: Những lần Mỹ sử dụng dầu dữ trữ SPR

Cùng với sự sốt sắng của Mỹ, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman ngày 15/9 cũng tuyên bố nước này sẽ sử dụng dầu dự trữ để bù đắp cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cho biết: "Một phần dầu sụt giảm sẽ được đền bù cho khách hàng bằng dầu dự trữ".

Saudi Arabia đã xây dựng 5 cơ sở ngầm dự trữ dầu khổng lồ tại nhiều vùng khác nhau của đất nước, có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu thành phẩm các loại để nước này sử dụng khi xảy ra khủng hoảng. Các cơ sở này đã được xây dựng từ năm 1988 đến 2009 với chi phí hàng chục tỷ USD.

Nhưng theo chuyên gia phân tích Sandy Fielden tại Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu MorningStar, dự trữ dầu mỏ hiện tại của Saudi Arabia sẽ không đủ để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt khoảng gần 6 triệu thùng/ngày do vụ tấn công bằng máy bay không người lái gây ra tại hai nhà máy của Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco ở thành phố Abqaiq và Khurais.

Mỹ- Saudi Arabia không đủ khả năng, Nga- Iran sẽ cân đủ?

Sự gián đoạn do cuộc tấn công vào cơ sở khai thác dầu của Saudi Arabia sẽ khiến giá "vàng đen" thế giới tăng lên và khi lượng cung không thể đáp ứng nhanh chóng cho các thị trường, việc tìm đến những nhà cung cấp khác như Iran hay Nga cũng là điều dễ hiểu.

Giới phân tích thừa nhận, nếu sản lượng dầu của Saudi Arabia bị gián đoạn trong một khoảng thời gian đáng kể, ít nhất là vài tuần, các nước nhập khẩu dầu ở châu Á sẽ có lý do để mua thêm dầu của Iran bất kể rủi ro trừng phạt của Mỹ.

Theo ông James Krane, chuyên gia năng lượng Trung Đông tại Viện nghiên cứu Baker, cho rằng nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất để thay thế cho sự sụt giảm sản lượng của Saudi Arabia, trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của Riyadh chủ yếu tới các khách hàng ở châu Á, và Iran có lợi thế gần gũi về mặt địa lý hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nào khác.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-se-thay-saudi-arabia-bu-luong-dau-thieu-hut-3387747/