Mỹ sẽ mất gì nếu bị buộc phải rời khỏi 2 căn cứ quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, Ankara có thể trục xuất quân đội Mỹ khỏi các căn cứ Incirlik và Kurecik của nước này, một phản ứng nhằm ứng phó với lệnh trừng phạt của Washington. Nếu mất căn cứ không quân Incirlik, Washington sẽ bị giảm nghiêm trọng cả khả năng phòng thủ lẫn tấn công ở Trung Đông và ông Erdogan biết tất cả điều này quá rõ.

 Căn cứ không quân Incirlik có đường băng dài 3.048 mét có thể tiếp nhận bất kỳ loại máy bay nào, kể cả máy bay ném bom chiến lược.

Căn cứ không quân Incirlik có đường băng dài 3.048 mét có thể tiếp nhận bất kỳ loại máy bay nào, kể cả máy bay ném bom chiến lược.

Khu vực này có nơi lưu trú cho máy bay, nhà kho, trung tâm liên lạc cũng như đầy đủ cơ sở, thiết bị hỗ trợ như sở chỉ huy, đài phát thanh, ánh sáng, thiết bị định vị, đơn vị bảo trì và khu vực phụ trợ.

Đây là nơi đóng quân của Không đoàn 10, Bộ tư lệnh Không quân 2 của Thổ Nhĩ Kỳ và Không đoàn 39 của Không quân Mỹ. Ước tính có tới 5.000 binh sỹ Không quân Mỹ đồn trú tại đây.

Incirlik cũng chứa các máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 Stratotanker, vốn tham gia tích cực vào các hoạt động quân sự ở Syria và Iraq.

Ngoài ra, người ta còn bắt gặp nhiều loại máy bay trinh sát và máy bay không người lái ở căn cứ này.

Căn cứ này từng được Không quân Mỹ sử dụng trong nhiều chiến dịch quân sự ở Trung Đông, từ cuộc khủng hoảng Lebanon năm 1958, Chiến dịch Bão táp Sa mạc (1991), Chiến dịch Cáo sa mạc (1998) cũng như các cuộc chiến ở Afghanistan (từ 2001), Iraq (từ 2003) và Syria.

Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu người Mỹ rời đi, chắc chắn Washington sẽ giảm khả năng chiến đấu và hoạt động của Không quân Mỹ tại Trung Đông.

Incirlik đối với Washington là đòn bẩy quan trọng trong các hoạt động của Mỹ với các nước trong khu vực cũng như khả năng của họ nhằm tác động đến tình hình chính trị và quân sự của các nước đó.

Vì vậy, nếu Mỹ mất căn cứ không quân Incirlik, Washington sẽ bị giảm nghiêm trọng cả khả năng phòng thủ lẫn tấn công, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra mối đe dọa từ lãnh thổ Iran. Và ông Erdogan biết tất cả điều này quá rõ.

Một tài sản quan trọng khác của các lực lượng vũ trang Mỹ và là nhân tố chính của mạng lưới phòng thủ tên lửa NATO có tên AN/TPY-2 - một radar lưu động được lắp đặt ở Kurecik, căn cứ phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria không xa.

Trạm radar nằm trên ngọn đồi cao 2.100m so với mực nước biển ở tỉnh Malatya và có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo ở tầm bắn tới 1.000 km. Mất radar này sẽ hạn chế đáng kể khả năng cảnh báo tấn công tên lửa của NATO.

Mỹ cũng được cho là đang lưu giữ 40 quả bom hạt nhân B61 của họ tại căn cứ Incirlik. Nhưng theo phân tích của chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok của Nga trên trang RT, Matxcơva có lý do để tin rằng, người Mỹ đã di chuyển kho vũ khí hạt nhân ngay sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7-2016.

Liệu binh sỹ Mỹ sẽ mất bao thời gian để đóng gói ra đi nếu Thổ Nhĩ Kỳ dứt khoát cự tuyệt? Thực ra, máy bay Mỹ chỉ cần một vài giờ. Ngay cả chiếc radar AN/TPY-2 cũng có thể được đặt trong một chiếc Boeing C-17 Globemaster III và được chuyển đến căn cứ gần nhất của châu Âu.

Tuy nhiên, sẽ khó hơn nhiều để ước tính số tiền mà Mỹ đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng một khi rút lui vội vàng. Những cấu trúc vĩnh cửu không thể di dời được, kể cả bằng đường hàng không hoặc đường sắt nên bỏ đi sẽ là sự hoang phí đáng kể.

Trên tất cả, giá trị địa chính trị của căn cứ không quân Incirlik là vô cùng đặc biệt, trong khi những nỗ lực của Mỹ nhằm gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến sự phân nhánh cực kỳ bất lợi cho NATO

Bởi vậy, Mỹ sẽ vì lợi ích của mình và của cả khối NATO để duy trì quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, khó xảy ra viễn cảnh Ankara và Washington chấm dứt hợp tác tại 2 căn cứ quân sự Incirlik và Kurecik

Hải Yến (Theo RT)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/my-se-mat-gi-neu-bi-buoc-phai-roi-khoi-2-can-cu-quan-trong-cua-tho-nhi-ky/836670.antd