Mỹ sẽ làm gì nếu Triều Tiên không giữ lời hứa phi hạt nhân hóa?

Mỹ có thể sẽ sử dụng hàng loạt công cụ để gây sức ép với Triều Tiên nếu nước này không thực hiện theo đúng cam kết phi hạt nhân hóa từng được hai nhà lãnh đạo nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gần đây đã nói với Fox News rằng Triều Tiên “chưa có những bước đi mà Mỹ cảm thấy là cần thiết để phi hạt nhân hóa”, đồng thời khẳng định “những gì mà Mỹ cần bây giờ là cách Triều Tiên thể hiện trong vấn đề phi hạt nhân hóa”.

Bình luận trên của ông John Bolton cho thấy mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thêm thời gian để bắt đầu dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân, song sự kiên nhẫn của Mỹ cũng không thể kéo dài quá lâu nếu quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên không tiến triển.

Theo Fox News, nếu chính quyền Triều Tiên không thực hiện đúng cam kết phi hạt nhân hóa như những gì ông Trump và ông Kim Jong-un từng nhất trí trong cuộc gặp tại Singapore hồi tháng 6, chính quyền Mỹ có thể sẽ sử dụng các biện pháp khác nhau để gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Thứ nhất, chính quyền Mỹ có thể nhắm mục tiêu tới các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên

Khi Mỹ trừng phạt một ngân hàng đặt trụ sở tại Macau hồi năm 2005 với cáo buộc rửa tiền cho Triều Tiên, các lệnh trừng phạt này đã khiến cả ngân hàng này và chính quyền Triều Tiên rơi vào tình trạng khốn đốn.

Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều tránh giao dịch với Triều Tiên. Tuy nhiên, một số ngân hàng lớn của Trung Quốc dường như vẫn nằm trong diện được “miễn” trừng phạt nhờ các mối quan hệ chính trị cũng như “sự nương nhẹ” của các chính quyền Mỹ trước đây trước Bắc Kinh.

Việc loại các ngân hàng bị nghi làm ăn với Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ sẽ gây tổn hại cho chính quyền Triều Tiên. Đây cũng là cách để Mỹ cho Trung Quốc thấy rằng Washington sẽ không dung thứ cho việc Bắc Kinh và Bình Nhưỡng hợp tác với nhau.

Ngoài ngân hàng, Mỹ cũng nhắm mục tiêu tới các công ty Trung Quốc bị nghi làm ăn với Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ hôm qua đã áp lệnh trừng phạt với một công ty hậu cần của Trung Quốc với cáo buộc giao dịch bằng tàu với Bình Nhưỡng.

Thứ hai, Mỹ có thể tái bố trí lực lượng quân sự để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Việc tái bố trí các lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực cũng có thể góp phần đối phó Trung Quốc. Tổng thống Trump có thể chuyển một hoặc hai nhóm tác chiến tàu sân bay từ một khu vực với ít mối đe dọa hơn như Đại Tây Dương sang một khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ như Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Mỹ có thể đóng cửa các căn cứ lỗi thời của nước này ở châu Âu để bổ sung thêm kinh phí cho các hoạt động quân sự tại Thái Bình Dương. Washington cũng có thể thử nghiệm và triển khai các vũ khí hạt nhân hiện đại và các hệ thống phòng thủ tên lửa đáng tin cậy trong khu vực.

Mỹ có thể đề nghị đồng minh Nhật Bản tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, lên tương đương ít nhất 2% GDP. Ngoài ra, Washington cũng có thể gây sức ép để Hàn Quốc chi trả toàn bộ kinh phí duy trì các lực lượng vũ trang của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Các động thái trên của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “nóng mặt”. Theo đó, Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Triều Tiên, buộc nước này phải thay đổi để tránh khiêu khích Washington.

Thứ ba, trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa và pháo binh hiện đại nhất thế giới cho thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Nằm cách không xa biên giới Triều Tiên, thủ đô Seoul là khu vực cần được bảo vệ bởi một hệ thống với tính năng vượt trội tương đương với hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” của Israel.

Lý do chính khiến nhiều chính quyền tổng thống Mỹ cho đến nay không thể sử dụng sức mạnh quân sự để “vô hiệu hóa” chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vì lo ngại Bình Nhưỡng có thể sử dụng dàn pháo binh để tấn công Seoul, hoặc sử dụng các tên lửa hạt nhân hay tên lửa thông thường để đe dọa cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.

Việc Mỹ nâng cấp hệ thống vũ khí cho Hàn Quốc sẽ làm giảm nguy cơ đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời làm gia tăng sức mạnh răn đe của liên minh Mỹ - Hàn, từ đó tăng cường cơ hội đàm phán ngoại giao giữa các bên.

Ý nghĩa các cuộc gặp ngoại giao

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Ngày 13/8, Hàn Quốc và Triều Tiên thông báo Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào tháng tới. Đây sẽ là cuộc gặp thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều trong năm nay và là một trong số hàng loạt sự kiện ngoại giao diễn ra trong tháng 9.

Triều Tiên đang lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vào ngày 9/9 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự lễ kỷ niệm này. Hai ngày sau đó, Nga sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok với sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và có thể cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuần tiếp theo đó sẽ diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ. Nhiều người dự đoán ông Kim Jong-un có thể sẽ tham dự cuộc họp này.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng trọng tâm của các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên là về phi hạt nhân hóa, chứ không phải là các cuộc gặp ngoại giao. Trong khi đó, Triều Tiên đã cho thấy rất ít động thái cụ thể trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Bình Nhưỡng đã phá dỡ một bãi thử phóng vệ tinh hồi tháng trước, song không có chuyên gia nước ngoài nào chứng kiến sự việc này.

THÀNH ĐẠT (Theo Fox News, Dân trí)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/my-se-lam-gi-neu-trieu-tien-khong-giu-loi-hua-phi-hat-nhan-hoa-post224931.html