Mỹ sẽ khiến thỏa thuận hạt nhân Iran bị đổ vỡ?

Tổng thống Mỹ Trump chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân Iran, còn Ngoại trưởng Tillerson đòi thay đổi nếu không sẽ rút khỏi thỏa thuận này.

Những lời chỉ trích của Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đồng LHQ vừa qua cho thấy, Mỹ không muốn duy trì một thỏa thuận như hiện tại với Iran. Và cách giải quyết vấn đề của Washington dường như đã được thể hiện rõ hơn qua phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson trước thềm cuộc gặp đầu tiên với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rowhani. Ảnh: Reuters

Theo lời Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức Nhà Trắng, thỏa thuận cần thay đổi theo hướng tăng cường các hoạt động giám sát bổ sung, ngăn chặn hiệu quả hơn nguy cơ phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran.

Các nhà bình luận khu vực cho rằng, tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ được cho là nằm trong những bước đi nhằm làm suy yếu Iran, qua đó hài lòng các đồng minh tại khu vực như Israel và Saudi Arabia.

Được biết, Thủ tướng Israel Netanyahu có cùng quan điểm với ông Trump khi từng nói rằng, Israel luôn coi thỏa thuận hạt nhân với Iran là thỏa thuận tồi, cho nên cần phải sửa đổi hoặc hủy bỏ nó. Israel cho rằng, thỏa thuận cần được thay đổi theo hướng kéo dài lệnh đóng băng chương trình phát triển hạt nhân trong 10 năm của Iran, hoặc thậm chí là đình chỉ vĩnh viễn và tiêu hủy các lò phản ứng của nước này thay vì chỉ tạm dừng các hoạt động của chúng như hiện nay.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Tổng thống Donald Trump phải đưa ra quyết định về việc chứng thực xem Iran có đang tuân thủ thỏa thuận hay không. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng cho đến nay chưa có thông tin nào xác thực về lựa chọn của ông Trump.

Có tin cho rằng, Tổng thống Trump từng “quả quyết”, sẽ không có khả năng ông tiếp tục thừa nhận việc Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vào thời hạn giữa tháng 10 tới.

Trong khi đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng, ông Trump vẫn đang cân nhắc xem liệu quyết định phủ nhận thỏa thuận sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các lợi ích của Mỹ tại khu vực, nhất là giữa bảo vệ các nước đồng minh chủ chốt như Israel và cuộc chiến chống khủng bố.

Trong trường hợp ông Trump không xác nhận điều này, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có tái áp đặt các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hay không.

Việc ông Trump đưa ra quyết định phủ nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là khó xảy ra, bởi đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh điều này là đúng. Hơn nữa, IAEA cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Iran hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận.

Nhiều khả năng, Tổng thống Trump có thể sẽ bỏ ngỏ việc đưa ra bất kỳ xác nhận nào liên quan thỏa thuận hạt nhân vào trước thời hạn chót theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ tạm trao quyền quyết định cho Quốc hội Mỹ xem xét các bước tiếp theo đối với bản thỏa thuận hạt nhân.

Mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini đã nói rằng thỏa thuận hạt nhân được thực thi tốt và thỏa thuận này thuộc về toàn bộ thế giới, chứ không chỉ có Mỹ.

Việc Mỹ tìm kiếm sự đồng thuận của các nước đồng minh châu Âu, nhất là các nước cùng tham gia ký kết trong ủng hộ thay đổi thỏa thuận hạt nhân, sẽ là điều không hề đơn giản.

Bởi hiện tại, Iran được xem là một đối tác tin cậy trong khu vực châu Âu, chứ không đơn thuần chỉ là một đối tác thương mại hay chính trị, cho nên cả hai bên đang tỏ ra rất nỗ lực nhằm duy trì thỏa thuận này.

Thậm chí, trong tuyên bố ngày 19/9, một số chính giới, quân sự Châu Âu còn đưa ra lập luận rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào của Mỹ gây nguy hại cho thỏa thuận hạt nhân Iran, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Âu, làm hủy hoại lập trường quốc tế của Mỹ và niềm tin của Châu Âu đối với Mỹ.

Trong bối cảnh như hiện nay, chính quyền Mỹ phải thấy rằng, các nước châu Âu cũng mong muốn được hợp tác với Mỹ để yêu cầu tiếp cận các căn cứ quân sự của Iran, nhưng với mục tiêu nhằm loại bỏ sự nghi ngờ, hơn là vô hiệu hóa một thỏa thuận quốc tế mang lại nhiều lợi ích chiến lược như hiện nay. Chính vì vậy, dựa vào lý do này, Mỹ vẫn có thể thuyết phục các đồng minh châu Âu, ngay cả Nga, Trung Quốc và Iran, cùng nhóm họp để đàm phán trở lại.

Mặc dù còn tồn tại quan điểm khác biệt giữa Mỹ và Iran, nhưng chưa có cơ sở nào để khẳng định, thỏa thuận sẽ mau chóng kết thúc hoặc đổ vỡ. Theo đó, thỏa thuận là một cam kết đa phương, được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bảo trợ, cho nên bất kể quan điểm đơn phương của Mỹ như thế nào thì thỏa thuận vẫn được coi là có hiệu lực pháp lý.

Với diễn biến như vậy, Mỹ khó có thể tiếp tục dựa vào các chứng cứ thiếu thuyết phục cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận để hủy bó hoặc rút lui. Trong khi, việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lại không nằm trong mục tiêu chính trị của Iran.

Chính Tổng thống Rowhani từng khẳng định, thỏa thuận hạt nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Iran, giúp nước này được gỡ bỏ lệnh cấm vận và thoát khỏi sự bế tắc chiến lược. Ngoài ra, thỏa thuận này còn giúp đẩy lùi các mối đe dọa an ninh từ phía Mỹ.

Điều mà Mỹ làm được lúc này chỉ có thể là thúc đẩy những nỗ lực nhằm thay đổi các điều khoản của thỏa thuận theo hướng tăng cường giám sát, kéo dài khả năng hạn chế năng lực hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này là điều không hề đơn giản, đòi hỏi Mỹ phải lôi kéo được sự ủng hộ rộng rãi từ các nước đồng minh châu Âu, nhất là các cường quốc tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran./.

Hồng Quân/VOV-Cairo

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/my-se-khien-thoa-thuan-hat-nhan-iran-bi-do-vo-673697.vov