Mỹ sẽ giáng đòn báo thù vô hình nhằm vào Nga

Xin giới thiệu bài của chuyên gia Nga Irina Alksnis đăng trên báo 'Ria Novosti' ngày 10/3/2021 bàn về những diễn biến mới trong quan hệ vốn đã căng thẳng Mỹ-Nga.

Các quân nhân Mỹ Nhóm số 175 Bộ Tư lệnh Các Chiến dịch trên Không gian mạng Lục quân Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Warfield, bang Wisconsin. Ảnh: U.S. Air Force/ Joseph Eddins

Các quân nhân Mỹ Nhóm số 175 Bộ Tư lệnh Các Chiến dịch trên Không gian mạng Lục quân Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Warfield, bang Wisconsin. Ảnh: U.S. Air Force/ Joseph Eddins

Tờ New York Times (Mỹ) vừa mới thông báo cho toàn thế giới biết rằng ngay trong ba tuần tới, Mỹ sẽ tiến hành một chiến dịch đặc biệt siêu bí mật, và trong chiến dịch này người Mỹ sẽ tiến hành "các cuộc phản công ẩn" nhằm vào các hệ thống mạng có liên quan tới chính quyền Nga.

Các nguồn tin giấu tên nói với The New York Times rằng Vladimir Putin, các cơ quan Tình báo và Quân đội Nga sẽ được “tận mắt chứng kiến” hậu quả của những biện pháp đã được lên kế hoạch này, nhưng còn với tất cả những người khác còn lại- họ sẽ không cảm nhận được cuộc “phản công” đó.

Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Tổng thống Mỹ Jake Sullivan,- mới hai tuần trước đây thôi ông này đã tuyên bố Washington sẵn sàng sử dụng một tập hợp "cả các công cụ hữu hình lẫn vô hình" (để trả đũa).

Những động thái và tuyên bố trên là những phản ứng của Mỹ trước một cuộc tấn công mạng được thực hiện nhằm vào phần mềm của công ty bảo mật máy tính SolarWinds vào tháng 12 năm ngoái (2020) và mới được tiết lộ thời gian gần đây.

Trong số các khách hàng của công ty này- có cả những cơ quan chủ chốt của Chính phủ Hoa Kỳ, còn trong danh sách những nạn nhân của vụ đột nhập nói trên- có Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Thương mại và cả Bộ Ngoại giao Mỹ.

Các cơ quan đặc biệt (tình báo, phản gián..) và Chính quyền Mỹ, cũng như một số tập đoàn chuyên ngành khác, ngay lập tức lên tiếng cáo buộc Matxcova về những gì đã xảy ra.

Theo khẳng định của các cơ quan, tổ chức Mỹ nói trên, cuộc tấn công mạng nói trên được thực hiện bởi những tin tặc có quan hệ trực tiếp với các cơ quan tình báo Nga, và mục đích chiến dịch này của chúng là để hoạt động gián điệp.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, trong một phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Giám đốc Microsoft Brad Smith thừa nhận rằng đây "có lẽ là vụ tấn công (mạng) lớn nhất và tinh vi nhất trong số những cuộc tấn công mạng mà thế giới đã từng chứng kiến".

Tuy nhiên, nói cho thật công bằng thì cũng có những đại diện khác của ngành công nghệ thông tin Mỹ không thật sự “nhất quán” lắm trong những cáo buộc chống Nga.

Cụ thể, cũng tại phiên điều trần nói trên, đại diện của hai công ty an ninh mạng chủ chốt Mỹ là CrowdStrike và FireEye thì khẳng định rằng trong tay họ không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh có sự can dự của Matxcova vào vụ tấn công mạng nói trên.

Theo các vị này thì cùng lắm cũng chỉ có thể nói được rằng “cuộc tấn công này được tiến hành theo phong cách (nguyên văn- tương ứng với cách hành xử) của người Nga", và còn nữa: "những công cụ được sử dụng trong vụ tấn công mạng này không giống với những gì mà Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hoặc Iran hay sử dụng".

Còn ở Nga, những gì đang xảy ra như trên vẫn thường được nhìn nhận theo cách hiểu quen thuộc về quan hệ Nga- Phương Tây, tức là:

Phương Tây luôn lớn tiếng và tuy không có bằng chứng nào nhưng vẫn cáo buộc đất nước chúng ta (Nga) đã phạm những tội ác đáng kinh ngạc nhất, và bằng cách đó (Phương Tây) tạo cớ để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và tiếp tục làm cho tình hình căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, nếu xem xét tình hình từ góc độ của người Mỹ, thì mọi thứ có vẻ như phức tạp hơn rất nhiều.

Cuộc tấn công mạng này trên thực tế là một cái gì đó quá bất bình thường. Và mặc dù các quan chức Mỹ khẳng định rằng vụ đột nhập trên đã không gây ra một thiệt hại nghiêm trọng nào cho an ninh của nước Mỹ, nhưng phản ứng cực kỳ gay gắt của các nhà chức trách Mỹ đã khiến mọi người phải nghi ngờ về mức độ chân thành trong các tuyên bố trên của họ.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng do các hành động của tin tặc, một cuộc họp khẩn cấp đã được triệu tập tại Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien của tổng thống Trump đã buộc phải hủy bỏ chuyến công du Châu Âu và ngay lập tức quay trở về Washington.

Gần như tức thời- chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng - các cuộc điều trần liên tục được tổ chức tại Thượng viện cũng xác nhận tính chưa từng có tiền lệ của những gì đã xảy ra.

Điều đặc biệt đáng chú ý- đó là cách nói của các phương tiện truyền thông Mỹ khi đưa tin về sự kiện này.

Các phóng viên đã viết rằng "Thượng viện Mỹ đã “quay chín” cả Microsoft lẫn SolarWinds", còn Hãng Reuters, khi nhắc đến Nga trong các bài báo viết về các cuộc điều trần của mình, đã xoáy vào một chi tiết là các tập đoàn nói trên liên tục tự bào chữa cho mình đổ lỗi cho nhau về những gì đã xảy ra (trong các phiên điều trần).

Quả thực là trong hệ thống bảo mật máy tính của Hoa Kỳ đã xuất hiện một “hố đen” lớn và vì thế đã gây sốc cho toàn hệ thống.

Và, tất nhiên, nước Mỹ không thể chấp nhận nổi dù chi trong ý nghĩ việc một nhóm tin tặc thông thường ác ý nào đó lại có thể làm được một việc “tầy Trời” như vậy.

Nếu ai đó có khả năng giáng một đòn đau như vậy vào siêu cường toàn cầu (Mỹ), thì nhất thiết đó phải là một quốc gia khác – một quốc gia sở hữu những năng lực thích hợp và nguồn lực khổng lồ, kể cả nguồn nhân lực.

Không phải ngẫu nhiên mà chính ngài Giám đốc Brad Smith của Microsoft nói trên cũng phải khẳng định rằng đã ít nhất một nghìn "kỹ sư cực kỳ giỏi và tận tụy" đã tham gia vụ đánh sập mạng này, - dù sao thì cũng cần phải bằng một cách nào đó biện minh cho thất bại của chính mình chứ.

Xét từ mọi khía cạnh, Nga luôn là đối tượng thuận tiện nhất cho những cáo buộc tương tự như vậy, và như đã biết- công nghệ bôi nhọ Nga đã hoàn thiện đến mức tự động hóa.

Và hình thức đáp trả "ẩn" mà người Mỹ chọn lần này cho phép Washington có thể thoải mái đưa ra các tuyên bố về những “thành tựu” mà họ đã đạt được sau những cuộc tấn công trả đũa sắp tới của họ nhằm vào Matxcova.

Nói cho hết nhẽ thì người Mỹ rất hay sử dụng những cam kết đao to búa lớn về những hành động “vô hình” nhưng “siêu hiệu quả”, khiến mọi người phải đặt ra một câu hỏi: hệ thống an ninh mạng quốc gia của họ được xây dựng “siêu hiệu quả” đến mức nào mà để cho bọn tin tặc “khoan” được một lỗ hổng ấn tượng đến như vậy?

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-se-giang-don-bao-thu-vo-hinh-nham-vao-nga-3428824/