Mỹ sẽ dùng trí tuệ nhân tạo 'nắm thóp' Nga - Trung ở Thái Bình Dương

Đây là cách tiếp cận mới của Mỹ trong lĩnh vực cải tổ năng lực phân tích tình báo quân đội.

Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ đang nghiên cứu khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khối lượng thông tin khổng lồ mà Lầu Năm Góc thu thập được từ vô số nguồn khác nhau.

Phó Trưởng phòng Hội nhập của PACAF, Trung tá Ryan Raber, tại sự kiện Genius Machines được tổ chức mới đây, tiết lộ rằng mục đích của hướng tiếp cận này là để đưa ra dự đoán nhanh chóng và chính xác hơn về ý đồ của các đối thủ tiềm tàng tại khu vực, từ đó vạch ra các cách đáp trả thích đáng.

Theo kế hoạch, AI sẽ được ứng dụng nhằm cải thiện quá trình đưa ra quyết định của PACAF và sẽ tập trung vào các sự kiện xảy ra trong khu vực Thái Bình Dương. Bản thân PACAF không nêu tên cụ thể những thế lực mà mình đang nhắm đến, nhưng dựa trên vị trí địa lý, trang tin Defense One cho rằng Mỹ muốn nghiên cứu các hành vi của Nga và Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

 Mỹ sẽ dùng trí tuệ nhân tạo để ‘nắm thóp’ Nga - Trung ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Defense One)

Mỹ sẽ dùng trí tuệ nhân tạo để ‘nắm thóp’ Nga - Trung ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Defense One)

Hệ thống này dự kiến sẽ đưa ra cảnh báo bằng cách phát hiện sự bất thường trong thói quen của đối thủ dựa trên phân tích các hành động trong quá khứ và hiện tại. Nếu do con người thực hiện thì quá trình này sẽ mất rất nhiều ngày, nhưng đối với hệ thống máy tính có trang bị AI, về mặt lý thuyết, nó có thể xử lý đưa ra kết quả trong “chỉ vài phút”.

Nếu nắm trong tay khối lượng dữ liệu trong 6 tháng, 8 tháng, hoặc thậm chí cả năm, bạn có thể hình dung được sơ đồ hoạt động thông thường. Sau đó, chúng tôi bắt đầu chọn ra những dữ liệu có vẻ bất thường, tập trung vào những điểm đó và tìm hiểu ý nghĩa của chúng đối chúng tôi. Liệu máy bay quân sự của đối phương đang chuẩn bị cho một chiến dịch bí mật nào đó chăng?” - ông Raber giải thích.

Theo quan chức của PACAF, một hệ thống như vậy sẽ cho phép quân đội Mỹ có được sự chuẩn bị sẵn sàng, chặn đứng khả năng xảy ra các vụ tấn công bất ngờ, giống như trường hợp Nhật Bản đánh úp Trân Châu Cảng vào năm 1941 trong Thế Chiến II.

Những tiết lộ về kế hoạch phát triển một hệ thống phân tích dựa trên AI trong tương lai được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cảnh báo không nên sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý dữ liệu để đưa ra quyết định. Ông lo ngại rằng một hệ thống như vậy có thể sẽ “tư vấn” các lựa chọn tấn công hạt nhân sau khi xử lý dữ liệu tình báo, và đó là một “viễn cảnh đáng báo động”.

Mỹ hiện đang có quan hệ căng thẳng với hai cường quốc quân sự ở khu vực Thái Bình Dương là Trung Quốc và Nga, cũng như một lịch sử đối đầu với Triều Tiên. Trong khi có rất ít sự cố đụng độ với quân đội Nga ở Thái Bình Dương, hạm đội Mỹ lại thường xuyên tiến hành các nhiệm vụ ở các vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc có yêu sách.

Văn Đức

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-se-dung-tri-tue-nhan-tao-nam-thop-nga--trung-o-thai-binh-duong-d496895.html