Mỹ sẽ đóng thêm 'hung thần biển sâu' để đối phó Nga và Trung Quốc

Trên mặt biển, Hải quân Mỹ luôn là 1 đối thủ khó nhằn với số lượng tàu chiến đông đảo, công nghệ hiện đại và hỏa lực 'hủy diệt'. Thế nhưng, dường như với các quan chức quốc phòng nước này, năng lực hiện tại là chưa đủ để đối phó Nga và Trung Quốc. Chính vì vậy, Lầu Năm Góc đang dự định gia tăng tốc độ đóng tàu ngầm nhằm gia tăng khả năng răn đe của lực lượng vũ trang Mỹ.

Báo cáo có tên “Cơ sở Công nghiệp Tàu ngầm và Tính khả thi của việc sản xuất tàu ngầm ấn công bổ sung trong Kế hoạch đóng tàu giai đoạn 2017-2030” do Hải quân Mỹ trình lên Quốc hội vào hồi 5.7 chỉ ra rằng, tốc độ đóng tàu hiện tại (1 tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia và 1 tàu ngầm tên lửa hạt nhân lớp Columbia/năm) đang khiến lực lượng tàu ngầm Mỹ trở nên lép vế so với các đối thủ ngang hàng như Nga và Trung Quốc.

Trong báo cáo này, Hải quân khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng hoàn toàn có thể nâng tốc độ đóng lên 2 tàu lớp Virginia/năm, đồng thời quả quyết việc này sẽ mang lại lợi ích to lớn đến cấu trúc lực lượng tàu ngầm tấn công của Mỹ. Ngoài ra, việc tăng tốc độ còn giúp nước này đạt mục tiêu 66 tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân (SSN) được đề ra trong bản “Đánh giá cấu trúc lực lượng” hồi tháng 12.2016.

Tàu ngầm năng lượng hạtn hân tấn công nhanh lớp Virginia

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia được đóng bởi nhà máy Electric Boat và Huntington Ingalls Newport News, trang bị tên lửa Tomahawk, ngư lôi và nhiều loại vũ khí khác để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: chống tàu ngầm, tấn công mặt đất, chống thủy lôi, ISR (do thám, tình báo, trinh sát), chống hạm và chuyên chở lính đặc nhiệm hải quân thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Tuy nhiên, theo Hải quân, tàu lớp Virgnia sẽ không mang theo vũ khí hạt nhân bởi nhiệm vụ này đã có lớp Columbia đảm nhiệm.

So với các tàu ngầm tấn công trước đó như lớp Los Angeles, lớp Virginia được thiết kế để cải thiện khả năng trinh sát, tác chiến gần bờ cũng như xa bờ. Ngoài ra, tàu ngầm lớp này có khả năng “Fly-by-wire”, cho phép tàu có thể đứng yên trong các vùng nước nông mà không cần người vận hành điều chỉnh. Với công nghệ này, chỉ huy ra lệnh cho phần mềm điều chỉnh và duy trì độ sâu, tốc độ di chuyển 1 cách tự động. Ngoài ra, không giống các tàu ngầm thế hệ trước, tàu cũng tích hợp 1 khoang chứa đặc biệt, cho phép các lính đặc nhiệm hải quân triển khai nhiệm vụ mà không cần phải cho nổi tàu.

Được biết, việc phát triển tàu lớp Virginia được chia thành nhiều giai đoạn được gọi là “Block”. Hiện tại, các tàu thuộc giai đoạn Block I và II đã hoàn thành và nằm trong biên chế. Trong khi đó, hải quân Mỹ đã nhận 4 tàu ngầm biến thể Block III mà mới nhất là USS Washington (SSN 787). Biến thể này được chỉnh sửa phần mũi, thay thế 12 ống phóng thẳng đứng bằng hai cụm ống phóng Virginia (VPT). Mỗi cụm VPT có thể chứa 6 tên lửa hành trình Tomahawk hoặc vũ khí khác trong tương lai. Mẫu Block III cũng thay thế hệ thống định vị thủy âm (sonar) cũ bằng cụm sonar mũi khẩu độ rộng (LAB) có độ chính xác, tầm hoạt động và độ tin cậy cao hơn nhiều. Lầu Năm Góc dự định đóng thêm 4 tàu Block III nữa trước khi chuyển qua biến thể Block IV và Block V.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/my-se-dong-them-hung-than-bien-sau-de-doi-pho-nga-va-trung-quoc-831095.html