Mỹ sẽ đặt hệ thống phòng thủ ở Kuril nếu...

Washington dường như không muốn giấu giếm chuyện can thiệp vào Hiệp ước Hòa bình Nga- Nhật.

Thông tấn TASS của Nga hôm 26/2 thông tin, Mỹ đã không phủ nhận khả năng sẽ triển khai lá chắn tên lửa trên quần đảo Kuril.

Mỹ không từ bỏ khả năng triển khai Aegis Ashore ở Kuril?

Mỹ không từ bỏ khả năng triển khai Aegis Ashore ở Kuril?

Thông tin được đưa ra bởi Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các vấn đề môi trường và giao thông Sergei Ivanov, cựu Chánh Văn phòng Điện Kremlin và từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng Nga.

Theo đó, ông Ivanov nhắc lại câu hỏi phỏng vấn một vị tướng Mỹ không được nêu tên, rằng liệu Mỹ có kế hoạch đặt căn cứ quân sự trên Shikotan nếu Nga chuyển hòn đảo này sang Nhật Bản hay không?

Vị tướng Mỹ đã trả lời: "Không, chúng tôi không có kế hoạch cho đến nay."

"Tôi muốn nhấn mạnh vào cụm từ đó: Cho đến nay" - ông Sergei Ivanov nói.

Ông Ivanov cũng lưu ý, một tướng quân khác của Mỹ nói rằng, Đảo Iturup có địa thế phù hợp lý tưởng để triển khai hệ thống lá chắn tên lửa chống lại tên lửa của Triều Tiên.

"Rõ ràng, họ đối xử với chúng tôi như những kẻ ngốc. Tên lửa gì của Triều Tiên? Điều này sẽ nhắm vào tên lửa của Nga! Lá chắn tên lửa sẽ nhằm vào Liên bang Nga chứ không phải chống lại Iran và Triều Tiên - đây là những câu chuyện cổ tích chỉ cho những kẻ ngốc" - vị phái viên của Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Tuyên bố của vị đặc phải viên Tổng thống Nga không phải đưa ra tình cờ trong tình hình đang gia tăng ở Nhật Bản.

Hôm 25/2, Nhật Bản đã quyết định tái bố trí căn cứ không quân Futenma của Mỹ đến phía Bắc tỉnh Okinawa bất chấp phản ứng của người dân là di dời hẳn căn cứ này đi nơi khác. Quyết định này giúp Mỹ tiếp tục có chỗ đứng vững chắc tại Okinawa.

Mỹ và Nhật Bản đã ký Hiệp ước an ninh tại Washington vào ngày 19/1/1960, và có hiệu lực vào ngày 23/6/1960 sau khi được quốc hội Nhật Bản phê chuẩn. Theo đó, khoảng 47.000 binh lính Mỹ hiện đồn trú tại Nhật Bản, trong đó hơn một nửa số binh lính có mặt tại căn cứ quân sự Futenma miền Nam đảo Okinawa.

Điều 5 của Hiệp ước này nêu rõ Mỹ sẽ bảo vệ các vùng chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản trước mọi cuộc tấn công vũ trang từ các nước bên ngoài.

Washington đã hiện diện căn cứ quân sự tại Okinawa nhằm mục tiêu bảo vệ Nhật Bản và sẽ không trao trả lại cho Tokyo nếu Nhật Bản từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo Iturup và Kunashir ở Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Lập luận của Mỹ cho rằng, Hiệp ước Hòa bình San Francisco (mà Liên Xô không ký) đã "không xác định chủ quyền của các lãnh thổ mà Nhật Bản từ bỏ" nhưng "Nhật Bản không có quyền chuyển giao chủ quyền trên vùng lãnh thổ đó".

Tuy nhiên, Liên Xô với vai trò là người chiến thắng trong cuộc chiến phát-xít Nhật đã không đồng ý với Hiệp ước Hòa bình San Francisco.

Nga cho rằng chủ quyền của Liên Xô đối với quần đảo đã được công nhận tại các thỏa thuận Yalta (cụ thể: Liên Xô sẽ tham gia vào cuộc chiến chống lại Nhật Bản về phía Đồng minh với điều kiện: Các quyền trước đây của Nga xâm phạm bởi các tấn công nguy hiểm của Nhật Bản vào năm 1904 sẽ được phục hồi, đó là các phần phía nam của đảo Sakhalin cũng như các đảo lân cận nó được trả lại cho Liên Xô; Quần đảo Kuril sẽ được bàn giao cho Liên Xô).

Mâu thuẫn về các thỏa thuận và Hiệp ước cho đến nay đã khiến Nhật Bản và Nga chưa thể ký được một Hiệp ước hòa bình và rạch ròi về chủ quyền của Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Thêm nữa, Nhật Bản mong muốn Nga trả 2 hòn đảo Shikotan và Habomai theo Tuyên bố Xô-Nhật 1956 trước khi ký kết Hiệp ước Hòa bình.

Nhưng phía Nga mong muốn Nhật Bản hiểu rõ rằng theo Tuyên bố Xô- Nhật 1956 thì Nga đã có chủ quyền toàn vẹn với vùng lãnh thổ phương Bắc. Nếu Nhật Bản thừa nhận điều này Nga sẽ xem xét khả năng tiến hành thực hiện theo Tuyên bố Xô-Nhật.

Tuy nhiên, càng ngày, Tokyo càng thấy rằng, nếu tiếp tục "nhường nhịn" Nga để ký Hiệp ước Hòa bình thì khả năng Nhật Bản được trao trả 2 hòn đảo càng khó khăn hơn.

Chưa có Hiệp ước Hòa bình khiến chủ quyền 4 đảo tại Kuril không thể được trao cho Nhật Bản có thể khiến Tokyo hướng tới một giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm gây sức ép với Nga.

Nếu Nhật Bản đặt Aegis Ashore tại Akita hay Yamaguchi, Moscow sẽ khó mà ký Hiệp ước Hòa bình.

Tokyo gần đây đã có các tín hiệu cho thấy sẵn sàng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở các vị trí: tỉnh Akita, miền Bắc Nhật Bản hoặc tỉnh Yamaguchi, miền Tây đất nước.

Nếu Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ Aegis ở Akita, Yamaguchi, là những nơi gần chuỗi đảo tranh chấp Kuril gần vùng Viễn Đông, chúng sẽ khiến Nga quan tâm.

Từng nói về việc Nhật Bản triển khai hệ thống Aegis ở khu vực tỉnh Akita, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhắc đến thỏa thuận được ký kết năm 1989 giữa Liên Xô và Mỹ nhằm tiến tới loại bỏ toàn bộ tên lửa đạn đạo và tên lửa điều hướng phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km - Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Bà Zakharova cho rằng, việc triển khai Aegis là "sự vi phạm Hiệp ước INF của Mỹ, với sự hỗ trợ của Nhật Bản".

Từ lâu, Nga luôn coi rằng hệ thống tên lửa theo phương thẳng đứng Mark-41 nằm trong Aegis vi phạm Hiệp ước INF vì nó có thể phóng tên lửa tấn công hành trình.

Nếu Nhật triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không nói trên tại các trường bắn của Các lực lượng vũ trang Nhật Bản ở Akita, phía Bắc Nhật Bản và khu vực Tây Nam tỉnh Yamaguchi, Nga sẽ cho rằng, Tokyo đã sắp xếp chúng dựa trên bàn tay đạo diễn của Mỹ để thực hiện kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu với mục tiêu kiềm chế Nga và vô hiệu hóa tiềm lực chiến lược của Nga.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-se-dat-he-thong-phong-thu-o-kuril-neu-3375312/