Mỹ sẽ có đối thủ của Iskander-M sau năm 2020

Theo Defense News, đến năm 2020, Mỹ sẽ bắt đầu được trang bị LRPF - hệ thống tên lửa đủ mạnh để được coi là đối trọng của Iskander-M Nga.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cơ quan này vừa ký hợp đồng với Công ty Raytheon phát triển dự án hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật và sản xuất tên lửa tầm xa Long-Range Precision Fire (LRPF).

Cụ thể, Raytheon sẽ nhận được hơn 116 triệu USD để chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt tên lửa LRPF với tên gọi là DeepStrike.

Loại tên lửa mới này được dùng để thay thế cho tên lửa dành cho các tổ hợp tên lửa, ví dụ tổ hợp tên lửa chiến thuật-chiến dịch M270 MLRS và M142 HIMARS. Được biết, lần đầu tiên thông tin về dự án phát triển DeepStrike xuất hiện hồi tháng 3/2016.

Vũ khí được Mỹ đánh giá ngang hàng với Iskander-M của Nga.

Tại thời điểm đó, công ty Raytheon đã tổ chức buổi hội thảo thông báo chính thức về loại tên lửa mới dành cho tổ hợp của Mỹ M270 MLRS và M142 HIMARS, chúng sẽ thay thế cho các loại tên lửa lỗi thời của Mỹ.

Đại diện của công ty Raytheon tuyên bố rằng, hầu hết tên lửa dành cho các tổ hợp tên lửa chiến thuật-chiến dịch của Mỹ được tạo ra vào những năm cuối những năm 1980, tại thời điểm này chúng không thể đáp ứng được đẩy đủ các yêu cầu chiến đấu.

Ông cũng cho biết rằng, loại LRPF mới sẽ nhỏ hơn 2 lần nhưng chúng có sức mạnh vượt trội hơn hẳn so với loại tên lửa đang được trang bị cho quân đội Mỹ. Tầm bắn của tên lửa LRPF sẽ rơi vào khoảng 500 km so với 300 km của các loại tên lửa cũ trang bị cho các tổ hợp M270 MLRS và M142 HIMARS.

Dù không tiết lộ về hệ thống dẫn đường của LRPF nhưng chuyên gia này khẳng định, chúng có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác gàn như tuyệt đối.

Và nếu việc phát triển tên lửa DeepStrike thành công, sức mạnh của quân đội Mỹ sẽ được tăng cường đáng kể. Thậm chí sự xuất hiện của loại tên lửa mới này cho phép Mỹ có trong tay loại vũ khí đủ sức đối trọng với Iskander-M của Nga.

Washington tái khởi động lại chương trình tên lửa LRPF được đánh giá là sự thay thế hoàn hảo cho các phiên bản cũ của Mỹ. Ngoài ra thiết kế theo dạng module của nó cũng cho phép lắp đặt tăng phạm vi hoạt động trong tương lai và thậm chí là cả tấn công các mục tiêu trên biển.

Việc khởi động chương trình LRPF diễn ra sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã không còn mặn mà với dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS, bởi vậy họ sản xuất và sử dụng chúng ngày càng ít dần.

Nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho lựa chọn này của Mỹ rất nhiều, nhưng hợp lý hơn cả là do Mỹ có phương châm quân sự mới khác so với trước đây, đặc biệt là lĩnh vực chống khủng bố.

Nhưng trước thực tế Nga và Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, đe dọa vị thế của cường quốc quân sự đứng đầu của Mỹ, vì vậy Mỹ phải tập trung phát triển loại tên lửa tầm xa của mình bởi tính năng của LRPF sẽ không có loại vũ khí nào có thể thay thế được.

Bất chấp sự tự tin của Mỹ đối với LRPF nhưng theo Zvezda, hệ thống LRPF có thể còn không dọa nạt nổi loại vũ khí đồng hạng thế hệ cũ hơn của Nga là BM-21 Grad chứ đừng nói là đối thủ xứng tầm của tên lửa đạn đạo Iskander và sức mạnh vũ khí Mỹ có thể chỉ nằm ở những tuyên bố.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-se-co-doi-thu-cua-iskander-m-sau-nam-2020-3369920/