Mỹ sẽ 'chặn' dòng vốn quốc tế của Trung Quốc?

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang diễn biến phức tạp, gần đây các chính khách Mỹ đã đe dọa sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc bằng cách hạn chế dòng vốn quốc tế của nước này.

Kiểm đồng 100 NDT tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm đồng 100 NDT tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, tờ Thương báo của Hong Kong (Trung Quốc) đã có bài viết nhận định phát ngôn này có phần chưa thực tế bởi hiện nay, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) đang tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết.
Vị thế đồng NDT giờ đã khác
Trung Quốc là một quốc gia thực hiện kiểm soát ngoại hối, nghĩa là Bắc Kinh thực hiện cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý. Vào ngày 1/10/2016, đồng NDT đã được đưa vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - đơn vị tiền tệ quy ước được tạo ra bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), qua đó trở thành một trong những lựa chọn tiền tệ dự trữ quốc tế.
Kể từ đó, quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã tăng tốc nhanh chóng. Điều này lý giải hiện tượng vì sao trong những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng đồng NDT để thanh toán thương mại với Trung Quốc của các nước EU, Nga và nhiều nước Đông Nam Á đã dần tăng lên.

Do đó, bài viết trong tờ Thương báo cho rằng việc hạn chế dòng vốn quốc tế của Mỹ sẽ chỉ là hành động đơn phương gây sự với "tư duy đi ngược toàn cầu hóa", tác động không lớn như tưởng tượng.
Theo bài viết, Trung Quốc hiện có hai trung tâm tài chính quốc tế lớn và trung tâm thanh toán vốn quốc tế (một là Trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải và cũng là Trung tâm thanh toán đồng NDT trong nước lớn nhất của Trung Quốc; hai là Trung tâm tài chính quốc tế châu Á-Hong Kong và cũng là Trung tâm thanh toán đồng NDT lớn thứ hai thế giới ở bên ngoài Trung Quốc đại lục).

Vào ngày 28/4/2016, Vương quốc Anh đã vượt qua Singapore để trở thành trung tâm thanh toán đồng NDT lớn thứ hai trên thế giới ở bên ngoài Trung Quốc đại lục, với quy mô thanh toán chỉ đứng sau Hong Kong (Trung Quốc).
Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2019, London (Anh) tiếp tục vượt qua Hong Kong để trở thành trung tâm thanh toán đồng NDT lớn nhất thế giới ở bên ngoài Trung Quốc đại lục, với tổng lượng thanh toán hàng năm vượt trên 40.000 tỷ bảng Anh, khối lượng giao dịch hàng ngày vượt trên 85 tỷ bảng, chiếm 43,9% lượng giao dịch nhân dân tệ toàn cầu ở bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, Hong Kong tụt xuống vị trí thứ hai, hiện chỉ chiếm 24,37% lượng giao dịch của đồng NDT toàn cầu bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Dù vậy, cùng với việc Quốc hội Trung Quốc sớm hoạch định và ban hành Luật An ninh Quốc gia áp dụng cho Hong Kong, môi trường tài chính quốc tế của Hong Kong được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi trở lại ổn định và vẫn mong muốn lấy lại vị trí hàng đầu và là trung tâm thanh toán đồng nhân dân tệ lớn nhất thế giới ở bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc: Nền kinh tế tự chủ và tuần hoàn công nghiệp
Bên cạnh đó, trải qua hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc hiện đã có một hệ thống chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, cũng như một chu kỳ kinh tế tự chủ và nền kinh tế tuần hoàn công nghiệp. Nước này đã chủ trì tổ chức hai đợt hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Thượng Hải và Hội chợ quốc tế lần thứ ba sẽ sớm được tổ chức. Trong bối cảnh đó, cánh cửa lớn của Trung Quốc đã được mở ra với thế giới.
Cùng với việc mở ra mô hình kinh tế toàn cầu mới, thị trường Trung Quốc đang ngày càng rộng mở, không chỉ có thể triệt tiêu những tác động tiêu cực của việc Mỹ gây sức ép lên nhu cầu thị trường quốc tế của ngoại thương Trung Quốc, mà còn có thể không ngừng đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển thị trường nội nhu khổng lồ, đồng thời mở rộng quy mô và tốc độ lưu động của dòng vốn quốc tế ở Trung Quốc đại lục.
Sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh chóng và thoát khỏi đáy vực. Do đó, ngay cả khi Mỹ một lần nữa gây sức ép lên Trung Quốc bằng lá bài thương mại thì tư duy Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời, cùng các rào cản thương mại và vốn cấu trúc cao, sẽ đi ngược lại lý luận "cùng hội nhập cùng xây dựng, hợp tác chia sẻ và cùng phát triển" của quốc tế thời đại mới.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ dốc sức "đi ngược lại toàn cầu hóa" là không có lối thoát bởi mô hình hợp tác và phát triển kinh tế toàn cầu hóa sẽ mở ra một hành trình mới trong chiến thắng chung của cuộc chiến chống lại dịch bệnh ở Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.
Ngoài ra, việc xây dựng Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau của Trung Quốc cũng đang được tăng tốc. Năm 2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vùng vịnh lớn đã vượt trên 1.600 tỷ USD. Ba khu thí điểm ngành dịch vụ hiện đại và Khu thương mại tự do trong Vùng vịnh lớn (tức khu tạm treo thuế nhập khẩu, khu thuế quan đặc biệt) cũng đang được đẩy nhanh xây dựng.

Ngày 24/8/2019, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã tuyên bố phê duyệt xây dựng 6 Khu thương mại tự do mới tại 6 tỉnh và khu tự trị, bao gồm Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Tây, Hà Bắc, Vân Nam và Hắc Long Giang.
Cho đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt 18 khu thương mại tự do, bao phủ hơn 60% các tỉnh, khu tự trị tại Trung Quốc Đại lục. Cùng với đó, việc xây dựng các khu thương mại tự do ở Đại lục đã noi gương kinh nghiệm thành công của Hong Kong và đang cho thấy xu hướng phát huy đầy đủ các lợi thế của các cảng khẩu, không gian địa lý kinh tế, thúc đẩy phát triển sáng tạo.

Do vậy, cùng với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới trị giá 40.000 tỷ NDT của Trung Quốc đang dần được khởi động và sẽ xuất hiện hiệu ứng chu kỳ của một vòng đầu tư mới kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, tờ Thương báo (Hong Kong) cho rằng việc Mỹ bế quan tỏa cảng, cố gắng phong tỏa và thu hẹp không gian thị trường vốn của Trung Quốc đã thực sự xem nhẹ sự hội nhập của Hong Kong vào nền kinh tế Vùng Vịnh Lớn, việc Trung Quốc không ngừng rộng mở thị trường, cũng như xu hướng phát triển theo hướng tiếp cận vốn tài chính quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế mới. Qua đó có thể thấy, Mỹ rất khó hạn chế dòng vốn quốc tế đến Trung Quốc./.

Hoài Nam (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-se-chan-dong-von-quoc-te-cua-trung-quoc/161240.html