Mỹ rút khỏi INF: Lợi bất cập hại?

Đây có thể là sai lầm chết người của Mỹ, song cũng có thể là tính toán của Washington nhằm giành lại lợi thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.

Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đạt được năm 1987 giữa cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, cho rằng Moscow đã vi phạm điều khoản của Hiệp ước. Đây là lần thứ bảy Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi các tổ chức quốc tế, hiệp định, hiệp ước đa phương kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.

"Quyết định sai lầm"…

Ngay lập tức, nhiều người cho rằng quyết định của Tổng thống Trump là thiển cận, biến Mỹ thành đối tác không đáng tin cậy, luôn hành động đơn phương và không cân nhắc đến lợi ích của nước khác. Chứng kiến quyết định của ông Trump, cựu Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev, người trực tiếp thương lượng INF, đã gọi việc rút lui khỏi hiệp ước là sai lầm và phá hủy mọi thành quả của ông với cố Tổng thống Ronald Reagan nhằm chấm dứt tình trạng chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Nga sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ văn kiện pháp lý nào và có thể tự do phát triển, thử nghiệm, đưa vào “biên chế” tên lửa tối tân Novator 9M729 và nhiều vũ khí tiềm năng khác.

Tên lửa Bulava được phóng ra bởi tàu tuần dương Nga. (Nguồn: Getty Images)

Về phần mình, sau khi cáo buộc Nga vi phạm INF, chính quyền Mỹ đã ngay lập tức chi 25 triệu USD để nghiên cứu tên lửa hành trình mới được phóng từ bệ phóng di động trên mặt đất. Việc phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân mới và nhắc nhở thế giới về sức mạnh hạt nhân của Mỹ là cách làm của Tổng thống Donald Trump nhằm răn đe “các nước khác”, đặc biệt là Trung Quốc.

…hay tính toán chiến lược?

Nhìn bề ngoài, hành động “xé bỏ” INF có vẻ đánh vào Moscow, nhưng các chuyên gia nhận định Trung Quốc mới thực sự là mục tiêu chính. Mỹ tin rằng INF đang đặt Washington ở thế bất lợi hơn vì Bắc Kinh không tham gia vào cam kết cắt giảm các tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương, trong khi các điều khoản của INF không cho phép Mỹ phát triển vũ khí mới.

Những năm gần đây, Trung Quốc rất chú trọng phát triển tên lửa tầm trung. Phát biểu trước Thượng viện Mỹ hồi tháng Hai, cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương Harry Harris cho biết 95% tên lửa thuộc biên chế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là tên lửa tầm trung và tên lửa tầm thấp, với tầm bắn từ 500 – 5.500 km. Một khi xung đột nổ ra, chúng có thể được sử dụng để tấn công các căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Thêm vào đó, các tên lửa chống tiếp cận/chống xâm nhập cũng là trọng tâm trong chương trình nghiên cứu tên lửa của PLA và được cho là vũ khí hữu hiệu chống lại các tàu sân bay hạt nhân tối tân của xứ cờ hoa.

Trong bối cảnh xung đột thương mại với Bắc Kinh ngày càng căng thẳng, Washington cần chắc chắn rằng lợi ích và tầm ảnh hưởng của mình tại Ấn Độ – Thái Bình Dương được duy trì và không bị đe dọa bởi bất kỳ ai. Rút khỏi INF cho phép chính quyền Mỹ triển khai vũ khí tự do hơn, lấy đây làm bàn đạp nhằm chiếm thế thượng phong trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Song mặt khác, quyết định của ông Trump có thể đóng vai trò như “chất xúc tác” để cả Moscow và Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ phát triển các chương trình vũ khí. Ngày 23/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, kỳ vọng sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Putin thứ 2. Tuy nhiên, với lập trường chống Nga quyết liệt của mình cùng kinh nghiệm ngoại giao chưa nhiều, ông Bolton sẽ khó có thể dung hòa lợi ích của nước Mỹ và đặt nền móng cho một thỏa thuận tương tự.

Kiểm soát vũ khí là điều mà thế giới hiện chỉ cần hơn, chứ không cần bớt và INF được xem là trụ cột quan trọng trong châu Âu suốt 30 năm qua. Giờ đây, khi INF đã trên bờ vực sụp đổ, nguy cơ về chạy đua vũ trang sẽ một lần nữa hiện hữu, đe dọa toàn bộ châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Minh Phương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/my-rut-khoi-inf-loi-bat-cap-hai-80339.html