Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, Nga sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự ?

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung vào thời điểm này, Nga sẽ đưa ra biện pháp đáp trả, bao gồm các biện pháp quân sự.

Theo Reuters, ngày 21/10, Nga lên tiếng chỉ trích ý định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước là một bước đi nguy hiểm, sẽ bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Mỹ đã đơn phương rút khỏi một loạt các cơ chế và thỏa thuận quốc tế, bao gồm thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran. Những chính sách quốc tế của Mỹ đang vấp phải sự phản ứng của nhiều nước.

Thứ trưởng Ryabkov cũng khẳng định, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung vào thời điểm này, Nga sẽ đưa ra biện pháp đáp trả, bao gồm các biện pháp quân sự.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cũng cho rằng, Hiệp ước này qui định các bên tham gia được quyền đơn phương rút khỏi Hiệp ước, chỉ trong các điều kiện đặc biệt. Ông Kosachev cảnh báo, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước có thể khiến nhiều đồng minh phương Tây có bước đi tương tự, gia tăng nguy cơ chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/10 cho biết, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vì Nga đã vi phạm thỏa thuận này. Theo Tổng thống Trump, Mỹ sẽ phải phát triển các loại vũ khí này, nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục sở hữu hay phát triển các vũ khí này.

Tổng thống Donald Trump được cho là có những suy tính nhất định khi quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân kéo dài hơn 30 năm với Nga, trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều diễn biến căng thẳng.

Theo một số nhà phân tích, chính tâm lý “bài xích” các thỏa thuận quốc tế của chính quyền Trump kết hợp cùng lập trường của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton là động cơ phía sau dẫn đến quyết định của Tổng thống Trump khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga.

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Nga vi phạm INF thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa 9M729 - biến thể mặt đất của tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK mà giới chức Mỹ cho rằng có thể vượt qua các lá chắn phòng thủ của Mỹ và châu Âu. Các quan chức Mỹ và NATO nhiều lần chỉ trích Nga vì động thái này.

Việc rút Mỹ khỏi INF sẽ cho phép Washington có thể phát triển tên lửa tương tự của riêng mình. Theo New York Times, nếu Mỹ thực sự rút khỏi INF, nước này có thể sẽ triển khai phiên bản đã được điều chỉnh của tên lửa hành trình Tomahawk để phóng chúng từ mặt đất. Trước đây Mỹ từng trang bị tên lửa Tomahawk gắn đầu đạn thông thường lên các tàu nổi và tàu ngầm, còn bây giờ Washington có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa này.

Một số nhà phân tích đã chú ý tới bài viết của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hồi năm 2011, trước khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF được công bố. Trong bài viết này, ông Bolton cho rằng Mỹ nên rút khỏi INF, viện dẫn lý do là các chương trình tên lửa của Iran.

Ông Bolton nói rằng các bài phân tích ông từng viết chưa chắc đã thể hiện các chính sách mà ông theo đuổi khi làm việc cho chính quyền Mỹ. Tuy nhiên kể từ khi làm việc cho chính quyền Trump trong vai trò cố vấn an ninh, ông Bolton thường xuyên chỉ trích hiệp ước với Nga mà ông cho là xâm phạm chủ quyền của Mỹ.

Đào Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-rut-khoi-hiep-uoc-cac-luc-luong-hat-nhan-tam-trung-nga-se-dap-tra-bang-bien-phap-quan-su-a408113.html