Mỹ rút khỏi Afghanistan, ai được lợi?

Cuộc xâm lược Afghanistan do Mỹ đứng đầu năm 2001 đã được hầu hết các nước trong khu vực ủng hộ bởi có chung mục tiêu là hất cẳng chế độ cực đoan Taliban và tiêu diệt mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Giờ đây Mỹ đang chuẩn bị rút khỏi quốc gia này.

Các chính phủ ở Tehran, Moscow và Islamabad từng sẵn lòng giúp Mỹ đánh đuổi các nhóm cực đoan trên. Iran từng cung cấp thông tin tình báo quan trọng để hỗ trợ cho các lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch chi tiết cho cuộc xâm lược này. Còn Nga cung cấp bản đồ có từ thời Liên Xô, thông tin tình báo và sau đó cho phép quân đội Mỹ vận chuyển trang thiết bị đến Afghanistan qua lãnh thổ của nước này. Thậm chí ngay cả Pakistan, nước hậu thuẫn chính của Taliban, cũng đề nghị hỗ trợ săn lùng các phiến quân Al-Qaeda và trở thành tuyến cung cấp trọng yếu cho các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhưng sau 19 năm can thiệp, sự đồng thuận trong khu vực ủng hộ quân đội Mỹ ở Afghanistan đã bị xói mòn. Mặc dù quân đội Mỹ đã nhanh chóng lật đổ Taliban và loại bỏ các thành trì của Al-Qaeda tại Afghanistan, song nhiều người cảm thấy họ bị sa lầy. Trong khi đó, mối quan hệ của Washington với nhiều nước trong khu vực - bao gồm Pakistan, Iran và Nga - đã trở nên tồi tệ.

Các tay súng Taliban ở Afghanistan. Ảnh tư liệu

Các tay súng Taliban ở Afghanistan. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh kế hoạch của các lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm tới như một phần trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình với Taliban, các đối thủ của Washington nhận thấy cơ hội nhảy vào và mở rộng dấu ấn của họ ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Những nỗ lực này đã tăng lên kể từ khi Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận hòa bình hồi tháng 2 vừa qua nhằm đàm phán chấm dứt cuộc chiến tranh vốn được bắt đầu từ năm 2001.

Theo thỏa thuận đó, các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào tháng 5-2021 để đối lấy các đảm bảo chống khủng bố từ Taliban - lực lượng cam kết đàm phán một thỏa thuận chia sẻ quyền lực và lệnh ngừng bắn vĩnh viễn với chính quyền Kabul. Các cuộc đàm phán hòa bình bị trì hoãn lâu nay ở Afghanistan dự kiến sẽ rất phức tạp và kéo dài và có thể sẽ phải mất nhiều năm. Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang xem xét một cuộc rút quân nhanh chóng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp không có một thỏa thuận hòa bình, việc rút quân của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc loạn đả với sự tham gia của các cường quốc khu vực theo đuổi những lợi ích cạnh tranh ở Afghanistan. Ông Michael Kugelman, cộng tác viên cao cấp nghiên cứu về Nam Á thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington, nói: “Sàn đấu đã được dựng lên, với nhiều nhân tố chủ chốt - trong đó gồm cả Nga và Iran - đang tăng cường mối quan hệ của họ với cả nhà nước Afghanistan lẫn Taliban. Mục đích là mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo thêm đòn bẩy đối với các đối thủ để họ có thể sẽ ở vị thế tốt hơn trong việc theo đuổi và đạt được các mục tiêu ở Afghanistan sau khi Mỹ rút đi.”

Iran, Pakistan và Nga đang thực hiện các bước đi nước đôi. Ba nước này đã tìm cách cải thiện quan hệ với chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Kabul, đồng thời tiếp cận Taliban trong trường hợp lực lượng này giành được một chỗ đứng trong Chính phủ Afghanistan trong tương lai. Islamabad đã duy trì mối quan hệ lâu dài với Taliban và cung cấp chỗ trú ẩn cho giới lãnh đạo của nhóm này, trong khi Tehran và Moscow đã ngầm thúc đẩy quan hệ của họ với các phiến quân nhằm mở rộng các lợi ích chiến lược của chính họ ở Afghanistan.

Pakistan lâu nay bị cáo buộc “chơi trò nước đôi” ở Afghanistan do cung cấp chỗ trú ẩn và hỗ trợ cho Taliban trong khi nhận hàng tỷ USD viện trợ từ Mỹ để trấn áp các nhóm phiến quân. Theo giới chuyên gia, Pakistan là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ông Kugelman nhận định: “Nếu cuộc rút quân dẫn tới một tiến trình hòa bình với kết quả là một thỏa thuận, khi đó Pakistan sẽ được hưởng lợi vì điều này có thể sẽ giúp Taliban nắm giữ một phần quyền lực công bằng. Nếu tiến trình hòa bình sụp đổ và việc Mỹ rút quân dẫn đến thời kỳ bất ổn kéo dài, Pakistan vẫn sẽ được hưởng lợi bởi vì nó sẽ làm cho Taliban thậm chí mạnh hơn nữa”.

Iran đã hỗ trợ các đồng minh truyền thống của mình ở Afghanistan - nhóm thiểu số Hazara dòng Shi’ite và nhóm thiểu số Tajiks nói tiếng Farsi - trong khi gần đây thiết lập liên lạc với Taliban, một nhóm chủ yếu là người Pashtun. Mối quan hệ giữa Iran (một nước đa số thuộc dòng Shi’ite) và Taliban (một nhóm theo trào lưu chính thống dòng Sunni) là rất phức tạp. Iran về mặt chính thức phản đối Taliban, nhưng theo giới chuyên gia, Iran lại cung cấp một số hỗ trợ quân sự cho Taliban chính thống và thậm chí cả các phe phái ly khai đối địch. Các nhà phân tích cho rằng, trong khi Iran không muốn Taliban quay trở lại nắm quyền, Tehran đang tìm cách duy trì tầm ảnh hưởng với nhóm này như một sự đảm bảo trong trường hợp Taliban trở thành một nhân tố chính trị ở Afghanistan hoặc buộc phải giành quyền kiểm soát đất nước.

Trong khi đó, Nga cho biết đã thiết lập liên lạc với Taliban trong những năm gần đây bởi mối đe dọa chung do nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan tạo ra. Washington đã cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Taliban, nhưng Moscow đã phủ nhận. Trong hai năm qua, Moscow đã tổ chức hai hội nghị quốc tế về tiến trình hòa bình Afghanistan, mời các nhà lãnh đạo Taliban và các thành viên phe đối lập Afghanistan tham dự. Ông Mark Galeotti - nhà phân tích và nghiên cứu hàng đầu về Nga tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Hoàng gia Anh, nhận định: “Lợi ích của Nga tại Afghanistan gồm hai phần: tránh sự bùng nổ hỗn loạn ở các biên giới mà họ coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình, và tận dụng nó như một cơ hội để chứng minh và khẳng định tuyên bố của mình là một cường quốc.”

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/my-rut-khoi-afghanistan-ai-duoc-loi-201514.html