Mỹ rút bớt quân khỏi Trung Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc rút bớt một số khí tài và lực lượng khỏi vùng Vịnh, trong bối cảnh Washington muốn giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Căn cứ không quân Prince Sultan. Ảnh: WSJ

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Căn cứ không quân Prince Sultan. Ảnh: WSJ

Theo Nhật báo Phố Wall hôm 1-4, Mỹ đã bí mật rút ít nhất 3 hệ thống tên lửa phòng không Patriot khỏi vùng Vịnh, bao gồm một hệ thống ở Căn cứ không quân Prince Sultan của Saudi Arabia mà Washington bố trí nhằm bảo vệ lực lượng xứ cờ hoa trong những năm gần đây. Các khí tài khác, trong đó có một tàu sân bay và các hệ thống do thám, đang được chuyển ra khỏi Trung Đông để đáp ứng nhu cầu quân sự tại những khu vực khác trên thế giới. Số vũ khí đó có thể sẽ được tái triển khai để tập trung vào “những đối thủ cạnh tranh hàng đầu trên toàn cầu”, gồm Trung Quốc và Nga. Theo các nguồn thạo tin, Mỹ đang xem xét rút thêm khí tài, binh sĩ và tổ hợp đánh chặn tên lửa đạn đạo THAAD cũng nằm trong số này.

Trong vài năm gần đây, hàng không mẫu hạm được triển khai xem như biểu tượng cho sự răn đe của Mỹ tại Trung Đông. Đầu năm nay, chiếc USS Nimitz đã rời khu vực này, trong khi USS Eisenhower đang hướng đến nơi đây nhưng dự kiến không ở lại lâu.

Việc rút các hệ thống Patriot cùng một số thiết bị quân sự khác đồng nghĩa theo thời gian nhiều ngàn binh sĩ cũng có thể sẽ rời khỏi vùng Vịnh. Tính đến cuối năm ngoái, có 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại khu vực này, giảm so với khoảng 90.000 lính ở thời điểm căng thẳng dâng cao giữa chính quyền tiền nhiệm Donald Trump và Iran cách nay 2 năm. Tổng thống Biden đang tái định hình vai trò của Mỹ tại Trung Đông khi tìm cách chuyển hướng khỏi khu vực này, nơi là ưu tiên quân sự hàng đầu của Washington trong nhiều thập niên qua.

Không bỏ rơi Saudi Arabia

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1-2021, Tổng thống Biden cam kết sẽ điều chỉnh lại quan hệ Mỹ - Saudi Arabia, thực hiện nhiều bước đi cứng rắn đối với vương quốc giàu dầu mỏ, bao gồm đóng băng thương vụ mua vũ khí tấn công mà Riyadh dùng cho chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen. Chủ nhân Nhà Trắng còn công khai báo cáo tình báo nói Thái tử Mohammed bin Salman đã phê chuẩn chiến dịch sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng khẳng định không muốn phá hủy liên minh tồn tại đã 76 năm giữa Washington và Riyadh. Do vậy, Mỹ sẽ tìm những giải pháp để giúp Saudi Arabia ngăn chặn những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) từ các tay súng thân Iran ở Yemen và Iraq. Theo đó, một nhóm chuyên gia của Lầu Năm Góc đang nghiên cứu những loại thiết bị và chương trình huấn luyện nào mà họ có thể chia sẻ với đồng minh lâu năm này.

Saudi Arabia đang chịu đựng cái gọi là mức độ bạo lực không thể chấp nhận được từ những vụ tấn công bằng tên lửa, UAV của lực lượng Houthi ở Yemen và các dân quân tại Iraq. Hôm 1-4, Houthi lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công bằng UAV chứa chất nổ nhằm vào thủ đô Riyadh, song phía Saudi Arabia không xác nhận vụ việc này. Kể từ tháng 1 vừa rồi, hơn 80 vụ tấn công như thế đã xảy ra, đặt Mỹ, Saudi Arabia cùng các nước đồng minh khác ở khu vực trong tình trạng báo động cao.

Khi Mỹ bắt đầu rút quân, trong những tuần gần đây Lầu Năm Góc cũng đã thành lập một nhóm các chuyên gia quân sự và chính sách quốc phòng để tìm cách hỗ trợ Saudi Arabia bảo vệ cơ sở hạ tầng và nhà máy lọc dầu. Những phương án đang được tính đến là bán một số vũ khí phòng thủ (chẳng hạn như các thiết bị đánh chặn tên lửa, nâng cao chia sẻ thông tin tình báo), tăng cường huấn luyện và xúc tiến các chương trình trao đổi quân sự với nhau. Thật ra, Mỹ có ý đẩy gánh nặng bảo vệ lãnh thổ Saudi Arabia từ Washington sang Riyadh.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-rut-bot-quan-khoi-trung-dong-a131864.html