Mỹ rút 12 ngàn quân khỏi Đức, tái bố trí trên khắp châu Âu

Quân đội Mỹ ngày 29/7 công bố kế hoạch rút 12 ngàn quân khỏi Đức, tuy nhiên, vẫn duy trì một nửa lực lượng này tại châu Âu để đối phó với căng thẳng với Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích Đức vì đóng góp ít ỏi cho NATO. Ảnh minh họa Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích Đức vì đóng góp ít ỏi cho NATO. Ảnh minh họa Reuters.

Hồi tháng trước, ông Trump công bố ý định cắt một phần ba số quân tại Đức, hiện có khoảng 36 ngàn quân. Ông Trump cho rằng Berlin đã không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO và cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết kế hoạch rút quân sẽ ngăn chặn những động thái phá hoại NATO và nỗ lực của khối trong chặn đứng sự can thiệp của Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Ông Esper cho biết thêm, Mỹ sẽ triển khai một số quân rút khỏi Đức sang khu vực Biển Đen và một số khác sẽ được triển khai đến khu vực Baltic. Ngoài ra, số quân còn lại sẽ được triển khai vĩnh viễn đến Italia.

Tổng cộng, khoảng 6 ngàn quân trong số 12 ngàn quân rút khỏi Đức vẫn sẽ đồn trú tại châu Âu.

Các nhà quan sát cho rằng, việc rút quân khỏi Đức thể hiện sự bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và đồng minh và đối tác thương mại lớn, trong khi hai nước được hưởng lợi là Italia và Bỉ lại có đóng góp ít cho liên minh NATO.

Norbert Roettgen, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức, cho biết việc rút quân sẽ làm suy yếu liên minh NATO. Tuy vậy, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, có giọng điệu lạc quan hơn, tuyên bố rằng các đồng minh đã được Mỹ thông báo về vấn đề này. Tổng thống Lithuania, Gitanas Nauseda, cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận nhiều lính Mỹ hơn.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney, người từng nhiều lần chỉ trích ông Trump, cho rằng kế hoạch này là một “sai lầm nghiêm trọng”. “Đây là một cái tát vào mặt một người bạn và đồng minh”, ông Romney cho biết trong một tuyên bố.

Kể từ Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ đã coi Đức là một trong những địa điểm chiến lược nhất ở nước ngoài. Nước này đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng cho các hoạt động quân sự không chỉ ở châu Âu, mà cả Trung Đông, châu Phi.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, số quân Mỹ ở Đức đã giảm dần. Trước đây từng có khoảng 200.000 quân Mỹ đồn trú tại Đức.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-rut-mot-phan-ba-so-quan-tai-duc-tai-bo-tri-tren-khap-chau-au-604911/