Mỹ run sợ khi F-35 đứng cạnh S-400

Việc Thổ Nhĩ Kỳ cho hoạt động cả F-35 cùng S-400 có thể phơi bày yếu điểm của F-35.

Mới đây, Reuters trích lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli cho biết, thương vụ mua S-400 của Nga đã hoàn tất.

Theo Thứ trưởng Không quân phụ trách các vấn đề quốc tế Mỹ Heidi Grant, thương vụ mua hệ thống tên lửa Nga của Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ ''thực sự quan ngại''.

Trước đó, các nhà phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ cho hoạt động cả F-35 cùng S-400 trong lãnh thổ sẽ ảnh hưởng tới tính năng an toàn của chiến đấu cơ, do những thông tin mà S-400 thu nhận được có thể ''phơi bày'' yếu điểm của F-35.

Nhất trí quan điểm với nhận định trên, Thứ trưởng Grant bày tỏ: ''Đó thực sự là một mối lo ngại nghiêm trọng, không chỉ với Mỹ, vì chúng ta cần phải bảo vệ công nghệ kỹ thuật cao, công nghệ thế hệ thứ 5'' cho ''tất cả các đối tác và đồng minh đã mua F-35 của chúng ta''.

Đề cập đến khả năng hai loại vũ khí có tương thích để hoạt động chung, Thứ trưởng Grant giải thích:

''Chúng tôi vẫn chưa xem xét vấn đề này… chúng tôi sẽ nghiên cứu xem cơ chế hoạt động chung như thế nào trong tương lai, nếu bọn họ thực sự sử dụng cả hai. Nhưng hiện tại, tôi có thể nói chắc chắn chính sách của chúng ta không cho phép F-35 tương thích với hệ thống đó''.

Về nguyên tắc, để F-35 tích hợp với S-400 trong hệ thống phòng không quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, các tham số kỹ thuật của tiêm kích F-35 và S-400 phải có sự tương thích.

Mỹ có thể sẽ phải điều chỉnh lại một số tham số bảo mật kết nối mạng chia sẻ thông tin dự cảnh-chỉ huy-điều khiển của F-35 cho hệ thống S-400 và ngược lại. Điều này chính là vấn đề khiến Mỹ lo sợ.

Trước đó, Tướng Petr Pavel – Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự quyết định song sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu như mua S-400 của Nga.

Tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, hệ thống phòng không S-400 của Nga không tương thích với các hệ thống của NATO.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bác bỏ mọi lời chỉ trích, giải thích, đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không muốn ngồi đợi các thành viên NATO đến bảo vệ.

Khi Mỹ chấp thuận xuất khẩu vũ khí sang một quốc gia nước ngoài, Mỹ yêu cầu quốc gia đó phải ký kết một bản thỏa thuận cho phép Mỹ giám sát nhằm đảm bảo những thông tin kỹ thuật nhạy cảm không bị rò rỉ ra ngoài.

Thứ trưởng Grant tiết lộ thỏa thuận giám sát bao gồm mọi thứ từ ''việc kiểm tra nước mua vũ khí sử dụng công nghệ như thế nào cho đến kiểm soát có những loại vũ khí nào hoạt động cùng''.

Tiêm kích F-35

Hồi giữa tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nhận chiếc chiến đấu cơ F-35 đầu tiên từ Mỹ. Với việc có trong tay chiếc F-35 đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong một số nước ít ỏi ở châu Âu có sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Trong buổi bàn giao chiếc F-35 đầu tiên từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết hai nước đang sớm xúc tiến việc chuyển giao công nghệ chế tạo, lắp ráp F-35 để nước này có thể chủ động trong việc sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng những chiến đấu cơ F-35 trong tương lai. Phiên bản nội địa của chiến đấu cơ F-35 dự kiến sẽ có tên mã là AT-1

Giới truyền thông hai nước đã dự kiến phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua tới 100 chiến đấu cơ F-35A từ Mỹ và chiếc đầu tiên trong gói hợp đồng này sẽ được chuyển cho phía Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2018 tới đây.

Tuy nhiên, thời gian gần đây mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có chiều hướng đi xuống khiến Hạ viện Mỹ quan ngại về việc chuyển giao công nghệ sản xuất F-35 từ Mỹ cho phía đối tác.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này tiết lộ Ankara đang tìm kiếm một giải pháp thay thế khi Mỹ đang trì hoãn việc giao F-35.

Dương Hùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-run-so-khi-f-35-dung-canh-s-400-3347414/