Mỹ 'rải tiền' ở Đông Âu để đối đầu toàn diện với Nga

Mỹ đang tiến hành nhiều động thái tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu để có thể kiềm chế Nga một cách toàn diện hơn.

Theo báo cáo của hãng thông tấn Stars and Stripes Mỹ, Không quân Mỹ mới đây đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo ngân sách 130 triệu USD để nâng cấp căn cứ quân sự Campia Turzii, trước đây thuộc về Liên Xô ở miền trung Rumania. Sau cải tạo, căn cứ này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm quân sự của Không quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Âu và cũng là “đầu mối” quân sự của NATO ở khu vực Biển Đen để tăng cường hơn nữa khả năng ngăn chặn của Mỹ đối với Nga ở Đông Âu.

 Máy bay F-15 của Mỹ cất cánh từ căn cứ Campia Turzii. Nguồn: eastday.com.

Máy bay F-15 của Mỹ cất cánh từ căn cứ Campia Turzii. Nguồn: eastday.com.

Theo báo cáo, Mỹ sẽ phân bổ gần 3,8 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe châu Âu (EDI) trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2021, trong đó bao gồm một khoản tiền 130,5 triệu USD dành riêng cho việc tái thiết căn cứ không quân Campia Turzii. Nếu ngân sách được thông qua, đây sẽ là dự án xây dựng quân sự ở nước ngoài lớn nhất do Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tư kể từ khi triển khai chương trình Sáng kiến răn đe châu Âu năm 2014.

Trong dự thảo ngân sách trình lên Quốc hội, Không quân Mỹ khẳng định, căn cứ Không quân Campia Turzii sẽ là đơn vị chủ lực của Bộ Tư lệnh Châu Âu Mỹ trong việc đối phó với những thách thức an ninh đang không ngừng thay đổi. Năm 2019, lực lượng Không quân Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Châu Âu đã điều động nhiều máy bay không người lái MQ-9 ở Ba Lan đến căn cứ này đồn trú ngắn hạn để tăng cường khả năng giám sát khu vực Biển Đen. Ngoài ra, Quân đội Mỹ đã nhiều lần đưa máy bay chiến đấu đến căn cứ này để luân chuyển.

Các động thái này cho thấy Mỹ và các đồng minh muốn tiếp tục mở rộng các hoạt động quân sự ở Đông Âu. Mặc dù những năm gần đây Bộ Quốc phòng Mỹ đã từng bước tăng cường đầu tư vào căn cứ này, nhưng đến hiện nay căn cứ này vẫn chưa có một bãi đỗ máy bay đáp ứng yêu cầu của một sân bay quân sự cỡ lớn, do vậy Không quân Mỹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các loại vũ khí hạng nặng và khả năng thực hiện nhiệm vụ cũng bị giảm đi rất nhiều.

Trong dự thảo ngân sách, Không quân Mỹ đã yêu cầu một số cải tạo và nâng cấp lớn cho căn cứ, bao gồm nâng cấp thiết bị phòng hộ để cho phép máy bay chở hàng hóa nguy hiểm có thể hạ cánh; xây dựng thêm bãi đỗ máy bay chiến đấu, kho chứa dầu và các loại nhà kho khác.

Dự kiến, sau khi hoàn thành, căn cứ này sẽ có khả năng tiếp nhận số lượng máy bay chiến đấu lớn hơn, tăng cường an ninh lưu chứa nhiên liệu bổ sung và vũ khí… tất cả những yếu tố cần thiết cho công tác huấn luyện chung của quân đội Mỹ và Romania tại đây. Nhưng quan trọng hơn, đây được coi là bước chuẩn bị cần thiết cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong trường hợp Không lực Mỹ phải triển khai quân tới Romania để giúp bảo vệ đồng minh NATO của mình.

Máy bay F-22 của Mỹ được triển khai tới một căn cứ của Rumania. Nguồn: eastday.com.

Trước đó, năm 2019, Không quân Mỹ đã chi khoảng 40 triệu USD để hiện đại hóa căn cứ này, đây được coi là căn cứ không quân tốt nhất ở Rumania. Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014, Rumania và Nga đã gia tăng các hành động đối đầu trên biển. Đối với Rumania, việc tăng cường phối hợp với NATO kiềm chế Nga có lợi cho đảm bảo an ninh chiến lược của riêng nước này.

Ngoài ra, kể từ tháng 6/2020, Mỹ và các đồng minh NATO thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung ở Đông Âu. Các tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã 3 lần tiến vào Biển Đen trong năm 2020 để thể hiện sức mạnh.

Sau "chuyến thăm bất ngờ" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới NATO hôm 15/6, Tổng thống Trump đã tuyên bố giảm sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại Đức. Giới phân tích đã cho rằng, Mỹ sẽ điều chuyển quân từ Đức đến Ba Lan. Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng cho biết, Mỹ thời gian qua đã tăng cường hiện diện ở các quốc gia vùng Baltic và các nước xung quanh khu vực Biển Đen.

Nga đã phản ứng mạnh mẽ với điều này, Quân khu miền Tây đã tăng cường lực lượng phòng thủ ở hướng biển Baltic, Quân khu miền Nam thì tổ chức giám sát toàn diện các chuyển động của tàu NATO để có thể ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp ở khu vực Biển Đen. Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội phương Bắc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự với các tình huống giả định nhằm vào Mỹ và NATO.

Trong tương lai, cùng với việc duy trì sự mở rộng về phía đông của NATO, Mỹ cũng sẽ chú trọng hơn đến việc xây dựng các lực lượng răn đe ở các nước láng giềng Nga như Rumania, Ba Lan và Ukraine. Cùng với đó Mỹ cũng tăng cường huấn luyện, diễn tập chiến đấu thực tế với NATO và thúc đẩy xây dựng năng lực tác chiến tổng hợp, từ đó siết chặt quân sự và ngăn chặn chiến lược của Nga từ mọi góc độ.

Trong bối cảnh thiếu sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau, thì cuộc đối đầu quân sự giữa Nga với Mỹ và NATO sẽ ngày càng gay gắt. Nga có thể tận dụng các mâu thuẫn nội bộ của NATO để tăng cường bố trí lực lượng hạt nhân chiến lược và lực lượng hoạt động tiền tuyến ở Đông Âu để giành lợi thế chiến lược trong cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/my-rai-tien-o-dong-au-de-doi-dau-toan-dien-voi-nga-258680.html