Mỹ ra tối hậu thư nhằm vào Iran sau vụ Venezuela

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các chính phủ nước ngoài hợp tác với Iran sẽ được áp đặt trong vòng 60 ngày tới.

Reuters mới đây dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ đặt ra thời hạn 60 ngày cho các Chính phủ nước ngoài hoàn thành nốt công việc của họ hợp tác với các cơ sở hạt nhân của Iran và 90 ngày đối với lò phản ứng dân sự ở Bushehr. Nếu không họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington.

Quân đội Venezuela cử tàu tuần tra hộ tống các tàu dầu Iran cập cảng. Ảnh: IRNA

Quân đội Venezuela cử tàu tuần tra hộ tống các tàu dầu Iran cập cảng. Ảnh: IRNA

Hồi tháng 5/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington đã cho phép miễn trừ các trừng phạt đối với Tehran liên quan đến một số cơ sở dân sự.

Giờ đây, những miễn trừ đó đã bị xóa bỏ hoàn toàn - ông Pompeo cho biết hôm 27/5.

Hiện nay, các dự án hạt nhân của Iran vẫn còn hợp tác với các công ty Châu Âu, Trung Quốc và Nga. Các công ty này còn 2 tháng nữa để lựa chọn có kết thúc các hợp tác với phía Iran hay nhận trừng phạt.

Việc Mỹ giới hạn công việc tại lò phản ứng Bushehr xuống còn 90 ngày sẽ dẫn đến va chạm với Nga bởi năm 2019, phía Nga đã ký một thỏa thuận với Tehran để xây dựng thêm 2 lò phản ứng cho nhà máy điện ở đó, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Một số người có quan điểm rằng, dẫu áp đặt trừng phạt, Mỹ cũng cần các miễn trừ cho phép các chuyên gia bên ngoài duy trì một số hoạt động trong chương trình hạt nhân Iran và một số công việc có tính chất nhân đạo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được cho là đã thuyết phục Ngoại trưởng Mike Pompeo gia hạn miễn trừ vào tháng 3, với lý do đại dịch COVID-19 và các lo ngại nhân đạo tiềm tàng.

Cùng với "tối hậu thư" này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra thông báo cho biết, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 2 nhà lãnh đạo chương trình hạt nhân của Iran.

Cụ thể là Mỹ đã đưa hai ông Majid Agha'i và Amjad Sazgar vào danh sách chỉ định trừng phạt theo Sắc lệnh hành pháp 13382, vì đã tham gia hoặc cố gắng tham gia vào các hoạt động quyên góp vật chất, hoặc có nguy cơ góp phần lớn vào phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ông Sazgar hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), chịu trách nhiệm về hoạt động của các máy ly tâm làm giàu urani ở quy mô công nghiệp. Ông Agha'i đang quản lý một chi nhánh của AEOI với nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển máy ly tâm tiên tiến.

Các đe dọa mới nhất từ phía Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Washington thất bại trong việc thực hiện các cảnh báo của họ về các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu Iran đến Venezuela.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đề cập đến 5 tàu chở dầu và alkylate được Iran chở đến Venezuela đã tiết lộ rằng, Mỹ đang xem xét biện pháp đối phó việc này.

"Washington và khu vực không hoan nghênh chuyến hàng này" - quan chức trên nói thêm.

Chưa hết, 4 tàu chiến hùng mạnh của Mỹ gồm USS. Detroit, USS. Lassen, USS. Preble và USS. Farragut đang có mặt tại biển Caribe dường như sẵn sàng chặn bắt hoặc tiêu diệt tàu dầu Iran khi vào EZZ của Venezuela.

Tuy nhiên, hôm 21/5, khi các tàu chở dầu của Iran đang trên đường đến Đại Tây Dương, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Jonathan Hoffman nói với các phóng viên rằng:

“Quân đội Mỹ hiện không có hoạt động nào đang được tiến hành để ngăn chặn hoặc kiểm tra tàu chở dầu của Iran trên đường đến Venezuela”.

Trả lời câu hỏi về quan điểm của Mỹ đối với tàu chở dầu của Iran, ông nói: “Hiện tại, tôi không biết về bất kỳ nỗ lực hay hoạt động nào đang được tiến hành”.

Cuối cùng, không có bất cứ động thái nào của Mỹ nhắm vào các tàu Iran. Đến ngày 27/5/2020, con tàu thứ 3 trong số 5 con tàu dầu Iran đã cập cảng Venezuela mà không gặp một rắc rối nào, và không chỉ trên vùng biển Venezuela mà ngay cả trên biển quốc tế, thuyền trưởng tàu Fortune của Iran nói cũng không ai gây khó dễ.

Giới phân tích cho rằng, Mỹ đã tính đến các đe dọa trên truyền thông Iran về kịch bản biến Đại Tây Dương thành biển lửa bằng sức mạnh hạt nhân của họ. Tới nay, Mỹ cũng vẫn lo ngại về khả năng thực sự về tên lửa và hạt nhân của Iran và Triều Tiên trong khi hai nước này đã có những hợp tác nhất định.

Việc cân nhắc can dự vào hợp tác Iran-Venezuela và lệnh trừng phạt nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran đã cho thấy rõ điểm mấu chốt trong dự định đánh chìm tàu Iran này của phía Mỹ. Đây cũng là lý do rõ nhất cho thấy sự sốt sắng của người Mỹ đối với các cơ sở hạt nhân của Iran.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-ra-toi-hau-thu-nham-vao-iran-sau-vu-venezuela-3403825/