Mỹ ra tối hậu thư cho WHO

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đứng trước nguy cơ mất khoản tiền hỗ trợ từ Washington sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa ngừng tài trợ vĩnh viễn cho tổ chức này nếu không có sự thay đổi đáng kể trong 30 ngày.

Theo Reuters, ngày 18-5 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo sẽ chuyển việc ngừng tài trợ cho WHO từ tình trạng tạm thời sang vĩnh viễn và xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ tại cơ quan này. Trong bức thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông Donald Trump nhấn mạnh: “Nếu WHO không cam kết cải thiện hoạt động đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ chuyển việc “đóng băng” quỹ hỗ trợ từ tạm thời sang vĩnh viễn và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi trong tổ chức”.

Cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế thế giới, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cáo buộc rằng, thất bại của WHO trong việc ứng phó đại dịch Covid-19 khiến "nhiều người thiệt mạng". Theo ông Alex Azar, WHO cần phải thay đổi và minh bạch hơn. Về phần mình, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cam kết sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch Covid-19 của cơ quan này vào “thời điểm thích hợp sớm nhất” nhằm đưa ra các khuyến cáo cho công tác chuẩn bị ứng phó dịch bệnh trong tương lai. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định, WHO cam kết minh bạch, có trách nhiệm và tiếp tục hoàn thiện.

 Tổng thống Donald Trump (bên trái) hối thúc Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhanh chóng thay đổi hoạt động của cơ quan này. Ảnh: AP.

Tổng thống Donald Trump (bên trái) hối thúc Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhanh chóng thay đổi hoạt động của cơ quan này. Ảnh: AP.

Bất đồng liên quan đến đại dịch Covid-19 giữa Mỹ và WHO đã lên đến đỉnh điểm khi ngày 14-4 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ tạm thời đóng băng các khoản hỗ trợ tài chính cho WHO để tiến hành đánh giá xem liệu cơ quan này có che đậy thông tin về đại dịch Covid-19 và có thiếu sót nghiêm trọng trong ứng phó với dịch bệnh hay không. Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Washington có thể chuyển khoản tiền sang các tổ chức khác.

Quyết định tạm ngừng tài trợ cho WHO của Mỹ vấp phải chỉ trích từ nhiều nước và tổ chức trên thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, hiện giờ “không phải là thời điểm” để cắt giảm các nguồn lực của WHO. Ông Antonio Guterres khẳng định: “Tôi tin rằng WHO cần nhận được sự hỗ trợ bởi vì cơ quan này có vai trò đặc biệt quan trọng trong các nỗ lực của thế giới nhằm chiến thắng Covid-19”. Trong khi Nga kêu gọi Mỹ ngừng công kích WHO và có hướng đi trách nhiệm hơn thì Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell gọi quyết định của ông Donald Trump là "rất đáng tiếc".

Ngay tại Mỹ, việc tuyên bố tạm ngừng tài trợ cho WHO cũng khiến ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt với làn sóng phản đối từ Đảng Dân chủ và các chuyên gia y tế trong nước. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, việc tạm ngừng tài trợ cho WHO trong khi tổ chức này đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19 là quyết định nguy hiểm. Rất nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức y khoa của Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo ông Donald Trump về hậu quả khôn lường của động thái này. Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) kêu gọi ông chủ Nhà Trắng cân nhắc lại quyết định trên.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đang hy vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét lại việc ngưng tài trợ cho cơ quan này. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đây là một khoản đầu tư quan trọng, không chỉ giúp người khác mà còn giúp Mỹ an toàn. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Mỹ là một người bạn lâu năm và hào phóng đối với WHO và chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ tiếp tục như vậy. Với sự hỗ trợ của chính phủ và người dân Mỹ, WHO đã và đang hoạt động trên khắp toàn cầu để cải thiện sức khỏe của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Hàng năm, Mỹ cung cấp hàng trăm triệu USD cho các chương trình cụ thể của WHO, như: Thanh toán bệnh bại liệt, cuộc chiến chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã “rót” cho WHO hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Do đó, nếu Mỹ cắt khoản tài trợ vĩnh viễn thì chắc chắn hoạt động của cơ quan này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-ra-toi-hau-thu-cho-who-618357