Mỹ quyết thọc sườn, Nga coi như quấy rối

Nga coi hành động của Mỹ và NATO tại Biển Đen là đòn gây áp lực, khiêu khích và tấn công tâm lý nhưng không gây ra mối đe dọa.

Răn đe sát sườn Nga

Trung tâm phân tích RAND Corporation của Mỹ vừa cho công bố một báo cáo về chiến lược “răn đe” Nga ở Biển Đen. Theo đó, Nga đã hiện đại hóa Hạm đội Biển Đen và tăng cường sức mạnh quân sự trên bán đảo Crimea, đe dọa cơ sở hạ tầng của NATO.

RAND khẳng định rằng khu vực Biển Đen đang trở thành nơi đối đầu giữa Nga và phương Tây và cuộc đối đầu này sẽ định đoạt tương lai của châu Âu. Giới phân tích Mỹ cáo buộc Moscow đang cố gắng biến Biển Đen và biển Azov thành vùng biển nội địa với sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang cũng như các công cụ thông tin, kinh tế và năng lượng.

Tàu săn ngầm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga khai hỏa

Tàu săn ngầm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga khai hỏa

Theo RAND, kể từ năm 2015, các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển đã được triển khai tại Crimea, bán đảo này đang được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới là S-400 Triumph. Ngoài ra, Nga cũng triển khai trạm radar cảnh báo sớm và các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại tại đây.

Báo cáo của RAND nhấn mạnh rằng kể từ năm 2014, Hạm đội Biển Đen của Nga đã được bổ sung thêm 6 tàu hộ tống, 6 tàu ngầm thuộc Dự án 636 Varshirlanka và 3 tàu tuần tra đa năng thuộc Dự án 11356 gồm “Đô đốc Grigorovich”, “Đô đốc Essen” và “Đô đốc Makarov”. Các tàu thuộc Dự án 11356 mang tên lửa hành trình Kalibr có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp Biển Đen.

Theo RAND, Nga có khả năng tạo ra khu vực Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD) ở Biển Đen. Do đó, lực lượng NATO sẽ chịu tổn thất nặng nề trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, đồng thời, tất cả các tàu chiến của NATO không thể cảm thấy an toàn ở đây.

Để “ngăn chặn một cuộc tấn công”, các chuyên gia RAND đề xuất sớm triển khai các hệ thống phòng không hiện đại ở Romania và Bulgaria, mở rộng khu vực diễn tập của lực lượng hải quân NATO, đồng thời hỗ trợ Ukraine và Gruzia phát triển “tiềm năng phòng thủ quốc gia”.

Tuy nhiên, RAND thừa nhận chính NATO chứ không phải Nga đang gây căng thẳng tình hình khu vực. Vào mùa Xuân năm nay, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố rằng các tàu chiến của phương Tây sẽ thường xuyên ghé vào các cảng biển của Ukraine và Gruzia để tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung và trao đổi thông tin tình báo.

Các tàu chiến của NATO và các đối tác tập trận tại Biển Đen

Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchinson nói thêm rằng NATO dự định áp dụng gói biện pháp liên quan đến khu vực Biển Đen, kể cả việc tăng cường trinh sát trên không và hộ tống các tàu Ukraine đi qua eo biển Kerch.

Mùa Hè năm nay, NATO đã chuyển sang hành động. Hồi tháng 7 vừa qua, cuộc tập trận hải quân quốc tế mang tên Sea Breeze 2019 đã được tổ chức tại cảng Odessa (Ukraine) với sự tham gia của gần 20 quốc gia. Tổng số 32 tàu chiến, 24 máy bay và hơn 900 lính thủy đánh bộ đã tham gia cuộc tập trận này. Tàu khu trục Karni của Hải quân Mỹ đã vào vùng Biển Đen. Một tàu bảo vệ bờ biển của Gruzia và một tàu chống ngầm cỡ nhỏ của Bulgaria cùng các máy bay vận tải quân sự của NATO đã đến khu vực tập trận.

Đến cuối tháng 7, NATO tiếp tục tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn khác ở khu vực Biển Đen mang tên Agile Spirit 2019 ở Gruzia. Tham gia cuộc tập trận có 3.000 nhân viên quân sự từ 14 quốc gia đồng minh và đối tác.

Nga đã tiên đoán tình hình

Phản ứng trước các động thái trên, Hội đồng Liên bang Nga đã tuyên bố cuộc tập trận Agile Spirit 2019 cho thấy khối NATO đang cố gắng phô trương sức mạnh, củng cố sự hiện diện quân sự gần biên giới phía Tây và phía Nam của Nga, và Gruzia đã trở thành một phần của “cơ chế NATO nhằm gây ảnh hưởng đến Moscow”.

Hồi giữa tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga từng cáo buộc đang tiến hành quân sự hóa khu vực Biển Đen. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chính NATO đang tích cực tiến hành quân sự hóa khu vực Biển Đen, tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự”.

Nga có đủ năng lực đối đầu Mỹ và các đồng minh ở Biển Đen?

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga đã liệt kê những ví dụ điển hình như tại Romania, các tổ hợp Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ đã được triển khai; NATO đẩy mạnh tuần tra hải phận và không phận, tích cực tiến hành hoạt động do thám trong khu vực, đặc biệt là dọc biên giới Nga. Phía Nga kết luận, “NATO không giấu giếm các kế hoạch tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự tại khu vực này”.

Nhà khoa học chính trị Crimea Vladimir Dzharalla hồi tháng 4 từng bình luận về việc Mỹ điều tàu khu trục USS Donald Cook tới Biển Đen, coi động thái này là một kiểu "tấn công tâm lý" và hành động này không gây ra mối đe dọa thực sự.

Chuyên gia Dzharalla nói: "Chính sách gây áp lực liên tục đối với Nga vẫn đang tiếp diễn với những bước đi đầy khiêu khích. Tàu này không gây ra mối đe dọa thực sự, bởi vì nó nằm dưới sự kiểm soát của quân đội chúng tôi. Nhiệm vụ của tàu là thực hiện "đòn tấn công tâm lý" để tạo ra căng thẳng cho phía Nga và cổ vũ phía Ukraine thực hiện những hành động khiêu khích tiếp theo của mình".

Mỹ kích động các nước như Ukraine ra tuyến đầu ở Biển Đen?

Sputnik dẫn lời chuyên gia Nga Piotr Tsvetov nhận định rằng, sự xuất hiện của các tàu NATO và đồng minh ở Biển Đen không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng đang khiến Moscow quan ngại. Theo ông, có thể thấy rõ tinh thần chống Nga trong cuộc tập trận hải quân của NATO. Trong bối cảnh tình hình hiện tại xung quanh Crimea và Ukraine, việc NATO đưa vũ khí thừa vào khu vực này không phục vụ cho sự nghiệp hòa bình và ổn định trên thế giới.

Ông Konstantin Blokhin, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: “Những kế hoạch này không có gì mới. Đã từ lâu Mỹ ấp ủ ý tưởng tạo ra hàng rào bao gồm các quốc gia từ biển Baltic đến Biển Đen có thái độ thù địch với Nga”.

Theo ông, Mỹ nhận thức được khả năng khó cạnh tranh với Nga ở Biển Đen. Washington đang cố gắng bằng mọi cách tăng áp lực lên Nga, đồng thời muốn ép buộc các nước khác như Bulgaria, Romania, Ukraine và Gruzia, cũng phải áp dụng các chiến thuật và chiến lược như vậy.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-quyet-thoc-suon-nga-coi-nhu-quay-roi-3389270/