Mỹ quyết tạo thế chân vạc tại Syria, theo kịch bản Iraq

Dù không đóng vai trò chính trong ván cờ Syria thời chống IS, nhưng Mỹ không chịu tiếp tục làm cái bóng của Nga tại Syria thời hậu IS...

Nga tố Mỹ thực hiện chiến lược chia cắt Syria

Sputnik ngày 25/1 đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố chiến lược mới của Mỹ về Syria là nhằm chia nhỏ quốc gia Trung Đông này.

“Cùng với những nguồn tin quân sự Mỹ, tiếp sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Đại học Stanford, Mỹ đã bảo trợ cho việc thành lập các đội bảo vệ biên giới tại miền bắc Syria, nơi có đa số người Kurd sinh sống.

Từ thực tế đó có thể nhận diện chiến lược mới của chính quyền Mỹ đối với tình hình tại Syria không là gì khác ngoài chính sách nhằm chia nhỏ quốc gia này", bà Maria Zakharova thể hiện quan điểm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Xin nhắc lại là ngày 17/1, phát biểu tại Đại học Stanford, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đưa ra một số tuyên bố về Syria, trong đó nhấn mạnh Mỹ, EU và các đối tác sẽ không giúp khôi phục quyền kiểm soát của chính quyền Syria tại nhiều khu vực.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Washington sẽ tập trung vào giữ ổn định và xây dựng giải pháp chính trị cho Syria với mục tiêu làm giảm ảnh hưởng của Iran. Ông Tillerson cũng kêu gọi các nước gây áp lực về kinh tế với chính quyền Assad.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho biết Moscow đã tìm hiểu rất kỹ bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, mà theo nhận diện của Moscow, ở đó thể hiện tầm nhìn của Washington về thực tại và hướng giải quyết cuộc xung đột Syria.

Bà Zakharova lưu ý rằng, cũng giống như trước đây, người Mỹ vẫn tuyên bố loại bỏ quyền lực của vị Tổng thống Syria hợp pháp, hợp hiến và dự định hiện diện quân sự vô thời hạn tại Syria, điều này là khó có thể chấp nhận được.

"Mỹ vẫn tiếp tục tuyên bố bãi nhiệm tổng thống được dân bầu của Syria. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy là mâu thuẫn với luật pháp quốc tế, không góp phần giải quyết các vấn đề nội bộ của Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA".

Moscow cho rằng không thể biến Syria thành vũ đài đối đầu chính trị - quân sự của các thế lực bên ngoài, đang theo đuổi những lợi ích riêng của mình. Chỉ có người dân Syria mới quyết định được tương lai của đất nước mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhận định rằng bất cứ hành động nào khiến cho việc tái lập sự thống nhất xã hội của Syria bị chậm trễ thì sẽ đẩy quốc gia Trung Đông này đối diện với nhiều thách thức nguy hiểm mới.

"Điều tồi tệ này đang xảy ra tại Afrin, nơi mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch quân sự, gây bất ổn cho an ninh của Syria tại khu vực mà chính phủ Syria chưa tái lập được quyền kiểm soát".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - người đã giới thiệu chiến lược của Mỹ chia cắt Syria

Chính vì vậy mà Nga hy vọng Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, diễn ra trong các ngày 29-30/1 tại Sochi, sẽ tạo ra bước tiến quan trọng cho tiến trình hòa giải và hòa hợp giữa các phe phái, tiến tới thống nhất Syria.

Mỹ đang quyết tạo ra thế chân vạc tại Syria, nhằm tái lập kịch bản tại Iraq

Hẳn dư luận còn nhớ, khi Toàn quyền Paul Bremer - người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp tại Iraq thời hậu Saddam Hussein trong 13 tháng - thực hiện việc chuyển giao chủ quyền cho người Iraq vào ngày 28/6/2004, đã tự hào rằng:

“Nhìn lại, chúng ta thấy Mỹ đã làm được rất nhiều điều cho đất nước Iraq. Thực sự, chúng ta đang giúp cho Iraq trở thành một quốc gia dân chủ”. Nền tảng dân chủ mà người Mỹ xây dựng cho Iraq là xác lập một cơ cấu quyền lực theo thế chân vạc.

Thế chân vạc quyền lực tại Iraq thời hậu Saddam Hussein đã đảm bảo trong cả đời sống chính trị lẫn chính trường Iraq, sự hiện diện của đại diện cả ba sắc tộc chính là lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite, lực lượng Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd.

Song điều đáng nói là dù diện người Kurd đã tham gia vào chính quyền trung ương, song cơ chế tự trị của người Kurd vẫn không thay đổi. Nghị viện và chính phủ Kurdistan vẫn tồn tại song song với Quốc hội và chính phủ trung ương tại Baghdad.

Có thể nhận diện, Washington đã chủ động tạo ra một cơ cấu quyền lực xung đột tại Iraq, trong đó tạo điều kiện cho người Kurd có được cơ chế quyền lực tốt nhất trên cả chính trường lẫn trong đời sống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam.

Theo giới phân tích, qua những hành động vừa mập mờ, vừa rõ ràng tại Syria, cho thấy dường như người Mỹ đang quyết tâm tái lập kích bản của họ tại Iraq trên đất nước Syria và cũng xoay quanh quân cờ chiến lược người Kurd.

Mỹ ủng hộ việc người Kurd chủ động xây dựng cơ chế tự trị ở miền bắc Syria, với một hệ thống chính quyền được xác lập sau những chuyển động chính trị căn bản như sự ra đời một khế ước xã hội có giá trị như một bản Hiến pháp hay các cuộc bầu cử.

Mỹ đã tạo ra một cơ cấu quyền lực xung đột tại Iraq thời hậu Saddam qua việc tạo thế chân vạc quyền lực Shiite - Sunni - Kurd

Vậy nhưng khi người Kurd thể hiện sự "sẵn sàng để thương lượng trong bất kỳ hội nghị khu vực hoặc quốc tế, qua đó đề xuất các kế hoạch và tầm nhìn của người Kurd cho một giải pháp ở Syria", thì Washington lại làm ngơ.

Người Kurd bị loại khỏi các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ, nhưng Mỹ im lặng. Thậm chí chính Nga phải đế xuất để đại diện người Kurd tham gia phái đoàn phe đối lập Syria, bởi “họ là công dân Syria, có vị thế chính trị, có tiềm lực quân sự”.

Người Mỹ tài trợ vũ khí cho người Kurd, nhưng lại thể hiện mập mờ trong việc giúp nâng cao vị thế cho lực lượng này trong bàn cờ chính trị Syria. Washington bị cho là còn tìm cách ngăn người Kurd xuất hiện trong Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-quyet-tao-the-chan-vac-tai-syria-theo-kich-ban-iraq-3351697/