Mỹ quyết kiềm chế Nga, Trung trong không gian

Trong 'Chiến lược phòng thủ không gian' công bố ngày 17-6, Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc và Nga kiểm soát không gian vũ trụ và sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh.

Tướng Raymond (giữa) hiện là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian và Lực lượng Không gian Mỹ. Ảnh: Time

Tướng Raymond (giữa) hiện là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian và Lực lượng Không gian Mỹ. Ảnh: Time

Chiến lược thừa nhận Bộ Quốc phòng Mỹ đang đối mặt với thực tế mới rằng các đối thủ sở hữu những vũ khí hiện đại hơn nhằm hạ gục các vệ tinh quân sự nước này. Trong đó, Trung Quốc và Nga đại diện cho “mối đe dọa chiến lược lớn nhất” đối với các hoạt động ngoài vũ trụ của Mỹ. Bắc Kinh và Mát-xcơ-va xem không gian vũ trụ quan trọng đối với chiến tranh hiện đại và sử dụng vũ khí trong môi trường này là cách để giảm hiệu quả quân sự đáng kể của Mỹ và các đồng minh trong chiến tranh tương lai. Do vậy, hai nước này đã phát triển các công cụ gây nhiễu sóng và tấn công mạng, đe dọa trực tiếp các vệ tinh Mỹ, như vũ khí điện từ và tên lửa chống vệ tinh, theo Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Stephen Kitay.

Để minh chứng, ông Kitay viện dẫn một hoạt động hồi năm 2017, trong đó Nga đã phóng vệ tinh mẹ, rồi tiếp tục “nhả” một vệ tinh con khác. Một trong 2 vệ tinh này sau đó phóng một vật thể bay với tốc độ cao vào không gian. Đến đầu năm nay, giới chức xứ bạch dương phóng 2 vệ tinh Cosmos 2542 và 2543 vào vũ trụ để bám theo vệ tinh do thám USA 245 của Mỹ. Tướng John Raymond - người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian và Lực lượng Không gian Mỹ - mô tả việc các vệ tinh Nga tiếp cận gần USA 245 ở khoảng cách hơn 160km là “điều bất thường và gây rối”. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đầu tư hàng tỉ USD vào vũ trụ và đưa nhiều vệ tinh lên quỹ đạo. Bắc Kinh cũng từng kết liễu thành công vệ tinh bằng tên lửa đất đối không trong vụ phóng thử vào năm 2007.

Thật ra, Mỹ vẫn đang duy trì lợi thế so với hai quốc gia nói trên, nhưng có nguy cơ bị bào mòn bởi tốc độ phát triển năng lực không gian của các đối thủ. Vì vậy, chiến lược mới nhấn mạnh Mỹ sẽ nỗ lực duy trì thế vượt trội trong không gian, đặc biệt trong việc bảo vệ các vệ tinh thuộc hệ thống định vị toàn cầu (GPS) mà quân đội và các dịch vụ khẩn cấp, vận tải và tài chính đang dựa vào. Stephen Kitay chỉ ra rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện những hoạt động quan trọng để vượt mặt các cường quốc khác, chẳng hạn như thành lập Lực lượng Không gian, Bộ Chỉ huy Không gian và Cơ quan Phát triển Không gian. Trong đó, Lực lượng Không gian là quân chủng thứ 6 trong quân đội xứ cờ hoa sau lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên.

Để đảm bảo ưu thế vượt trội trong không gian, Lầu Năm Góc xác định cần phải bắt tay với các đồng minh và lĩnh vực tư nhân. Theo đó, Mỹ sẽ “thúc đẩy chia sẻ gánh nặng với các đồng minh và đối tác”. Những đồng minh tình báo gần gũi nhất của Washington, nhóm “Ngũ Nhãn” (gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ), đã hợp tác từ năm 2014 trong sáng kiến Hoạt động không gian phối hợp. Pháp và Đức cũng tham gia hồi tháng 2-2020.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-quyet-kiem-che-nga-trung-trong-khong-gian-a122461.html