Mỹ quyết định không phát triển và hoàn thiện pháo ray điện từ

Sau nhiều năm phát triển, Lầu Năm góc dường như đã hết hy vọng vào dòng vũ khí được coi sẽ thay đổi căn bản công nghệ vũ khí hải quân là pháo ray điện từ.

Theo thông tin chính thức, Lầu Năm góc đã quyết định trong vài năm tới sẽ không tập trung phát triển và hoàn thiện pháo ray điện từ và các thiết bị liên quan. Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Mỹ, sau hơn một thập kỷ phát triển, 1,5 tỷ USD được giải ngân, chương trình pháo ray điện từ vẫn vấp phải những rào cản kỹ thuật khó có thể vượt qua ở thời điểm hiện tại, cũng như sự thay đổi chính sách của Hải quân Mỹ. Chính vì thế, chương trình phát triển vũ khí đầy tham vọng này được chuyển khỏi danh sách ưu tiên để dành nguồn lực cho các loại vũ khí mới có tính ứng dụng cao hơn

Vũ khí với kỹ thuật đột phá

Thực tế, pháo ray điện là dòng vũ khí uy lực có thể tạo sơ tốc tức thời cho đầu đạn nặng 10kg lên vận tốc hàng nghìn km/giờ và tầm bắn tương đương các loại tên lửa diệt hạm hiện đại. Với vận tốc cực lớn, việc đánh chặn các đầu đạn được bắn đi bởi pháo điện từ gần như là không thể. Sức công phá do pháo điện từ gây ra tương tự như những vụ va chạm của thiên thạch cỡ nhỏ vào Trái đất.

Pháo ray điện có thể tạo ra các phát bắn rất uy lực.

Về nguyên tắc, pháo ray điện sử dụng nguyên tắc lực điện từ Lorentz để đẩy viên đạn rời nòng pháo bằng hai khối tụ điện lắp song song. Nhờ nguồn điện tích lũy cực lớn, lực đẩy điện tử của pháo ray điện tạo ra sơ tốc tới 9.000km/giờ (2,5km/giây) cho viên đạn được phóng đi.

Viên đạn được ổn định quỹ đạo nhờ 4 cánh lái nhỏ nằm phần đuôi. Với vận tốc gấp vài lần tốc độ âm thanh, nó vượt qua khoảng cách 160km trong vòng vài giây và tấn công mục tiêu định trước bằng khả năng xuyên phá động năng cực lớn.

Mặc dù, thông số kỹ thuật của các nguyên mẫu súng ray điện từ gần đây đang tiệm cận mức độ mong muốn của giới chức quân sự Mỹ, nhưng những khó khăn về kỹ thuật và độ tin cậy của nó vẫn tạo ra sự hoài nghi về khả năng áp dụng loại vũ khí phức tạp này trong thực tế chiến đấu.

Pháo ray điện từ không nằm trong “danh sách ưu tiên”

Lầu Năm góc theo đuổi chương trình phát triển pháo ray điện với tham vọng sớm trang bị chúng trên các chiến hạm thế hệ mới. Để thực hiện tham vọng này, từ năm 2005, Viện nghiên cứu Công nghệ hải quân Mỹ đã bắt đầu phát triển công nghệ pháo ray điện với kết quả là nguyên mẫu công nghệ đầu tiên do General Atomics và BAE Systems giới thiệu.

Từ năm 2005 tới nay, General Atomics và BAE Systems đã thực hiện rất nhiều vụ bắn thử pháo ray điện, nhưng đặc tính kỹ thuật của hệ thống vẫn không làm hài lòng giới chức quân sự Mỹ.

Vấn đề chính của pháo ray điện là tiêu thụ quá nhiều điện năng và cần nguồn cấp năng lượng lớn, vật liệu chế tạo vẫn chưa đủ độ tin cậy khi làm việc với cường độ lớn và đặc biệt là tốc độ bắn của tổ hợp chỉ đảm bảo 5 viên/phút thay vì 10 viên/phút như dự kiến. Dù rất nỗ lực, nhưng các nguyên mẫu pháo ray điện còn cần thêm rất nhiều thời gian để đạt được như kỳ vọng của Lầu Năm góc. Chính những vấn đề kỹ thuật chưa thế giải quyết này trong ngắn hạn này đã làm giới chức quân sự Mỹ “nản lòng” và tất yếu là chương trình vũ khí đầy tham vọng này sẽ tạm dừng.

Những khó khăn về công nghệ, đặc biệt là cần nguồn cung cấp điện cực lớn khiến việc phát triển pháo ray điện từ rất khó khăn.

Khu trục hạm lớp Zumwalt với vũ khí chính theo thiết kế là pháo ray điện.

Theo thông tin từ Văn phòng phụ trách Các vấn đề chiến lược thuộc Lầu Năm góc, toàn bộ chương trình phát triển pháo ray điện đã được nghị sĩ Quốc hội và quan chức quốc phòng Mỹ rà soát lại và kết quả cuối cùng là chương trình vũ khí tương lai này tạm thời dừng lại để tập trung phát triển cơ cấu “đạn điện từ chứa đạn” để dùng cho nhiều mục đích khác nhau với tên gọi High Velocity Projectiles – HVP.

“Sau khi đánh giá, chúng tôi đã quyết định chuyển trọng tâm phát triển sang vũ khí truyền thống để nhanh chóng áp dụng công nghệ HVP lên chiến hạm tương lai của Mỹ”, phát ngôn viên Văn phòng phụ trách Các vấn đề chiến lược, Chris Sherwood cho biết

Lý do được đưa ra hoàn toàn có lý: Tại sao nước Mỹ lại phải dành nguồn tài chính cho một loại vũ khí tương lai chưa đủ độ tin cậy, khi HVP có thể sử dụng được ngay. Nguồn lực dành cho việc phát triển pháo ray điện từ có thể sử dụng cho các chương trình khác có tính khả thi cao hơn.

Mặt khác, việc tạm dừng phát triển pháo ray điện từ còn liên quan tới việc cắt giảm số lượng khu trục hạm lớp Zumwalt đóng mới, dòng chiến hạm duy nhất hiện nay được thiết kế trang bị pháo điện từ, của Lầu Năm góc. Thay vì 32 tàu như dự kiến ban đầu, Hải quân Mỹ trong tương lai gần sẽ chỉ sở hữu 3 chiến hạm thế hệ mới sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng điện này.

“Người thay thế” HVP

Đạn HVP có thể sử dụng trên các loại pháo truyền thống cỡ nòng 5 inchs hiện có của Quân đội Mỹ. Công nghệ lực đẩy điện từ cho phép HVP có sơ tốc đầu đạn lớn hơn các loại pháo thông thường, nhưng chậm hơn so với đạn trên pháo ray điện.

Đạn pháo HVP.

Điểm đáng quan tâm nhất của HVP việc đạn có điều khiển giúp tấn công chính xác mục tiêu. “Mỗi đơn vị đạn như HVP có giá khoảng 50.000 USD. Nó đắt hơn đạn pháo thông thường, nhưng rẻ hơn tên lửa hành trình Tomohawk tới 20 lần”, chuyên gia Học viện Tên lửa và pháo binh Nga, Constantine Sivkov nói.

Nói về công nghệ đạn HVP, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Wark tuyên bố tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ: “Nó là loại đạn đặc biệt có thể được bắn từ nòng pháo truyền thống, nhưng lại có sơ tốc đầu nòng siêu thanh như các loại đạn được bắn từ pháo ray điện”.

TUẤN SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-quyet-dinh-khong-phat-trien-va-hoan-thien-phao-ray-dien-tu-526123