Mỹ quyết 'chơi' hạt nhân với Nga

Mỹ sẵn sàng đưa Nga và Trung Quốc 'vào quên lãng' nhằm giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Mỹ muốn cho Nga vào “quên lãng”

Cuối tháng 5 vừa qua, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao và 2 cựu quan chức khác cho hay chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992.

Theo Washington Post, chủ đề này đã được nêu bật tại một hội nghị gồm những quan chức cấp cao đại diện cho các cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ sau những cáo buộc từ Washington rằng Nga và Trung Quốc đang thực hiện những vụ thử hạt nhân quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, hội nghị không đạt được bất cứ sự tán thành nào đối với việc tiến hành một vụ thử hạt nhân. Quyết định cuối cùng được đưa ra là triển khai những biện pháp khác nhằm ứng phó với những mối đe dọa do Nga và Trung Quốc gây ra, và tránh khả năng nối lại hoạt động thử hạt nhân.

Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ tại bang Nevada

Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ tại bang Nevada

Giữa lúc đó, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump phụ trách đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, ông Marshall Billingslea ngày 21/5 cho biết Mỹ sẵn sàng đưa Nga và Trung Quốc “vào quên lãng” nhằm giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Ông Billingslea nêu rõ: “Tổng thống Trump khẳng định rõ ràng là chúng ta đã có được một hành động hiệu quả và đúng đắn. Chúng ta biết cách giành chiến thắng trong những cuộc chạy đua này và chúng ta biết cách đưa đối thủ vào quên lãng. Nếu chúng ta bị bắt buộc, chúng ta sẽ thực hiện, song chúng ta chắc chắn sẽ muốn tránh điều đó”.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh kinh tế suy thoái sẽ không ảnh hưởng đến việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Bất chấp cuộc khủng hoảng kép hiện nay, Mỹ vẫn tuyên bố "chơi lớn" với vũ khí hạt nhân

Phát biểu trước báo giới, ông Esper nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không mạo hiểm đối với kho vũ khí răn đe chiến lược, chúng tôi nhất thiết phải hiện đại hóa nó". Ông nhấn mạnh thêm: "Đây là điều quan trọng khi tính đến việc Trung Quốc hiện đang ở quỹ đạo nào và việc Nga có thể sẽ đi đến đâu trong những năm tới".

Theo ông Esper, Lầu Năm Góc hiểu rằng kinh phí được phân bổ để hỗ trợ nền kinh tế trong tình hình bùng phát đại dịch COVID-19 với số tiền 3.000 tỷ USD đang tạo thêm gánh nặng nợ nần cho ngân sách và nền kinh tế nói chung. Ông cam đoan rằng Bộ Quốc phòng đã tính đến điều này khi lập kế hoạch dự trù ngân sách của bộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân của nước này. Do vậy, lần đầu tiên sau vài thập kỷ, Mỹ đã nối lại việc sản xuất lõi plutoni cho đầu đạn. Trước đó, Mỹ đã ngừng tiết lộ thông tin về số lượng đầu đạn hạt nhân mà cường quốc này sở hữu trong phiên chế sẵn sàng chiến đấu và tại các kho chứa, dữ liệu mới nhất chỉ cập nhật đến năm 2017.

Mỹ đang đùa với lửa?

Theo Sputnik, các quan chức cấp cao của Chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc coi vụ thử hạt nhân là một trong những biện pháp gây áp lực đối với Nga và Trung Quốc trong cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Cái cớ là những lời cáo buộc không được chứng thực về việc hai quốc gia này vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội nước này bản báo cáo thường niên, trong đó cáo buộc Moscow không phải lúc nào cũng thông báo cho Washington về những thử nghiệm hạt nhân theo Hiệp ước giữa Liên Xô và Mỹ về hạn chế các vụ thử vũ khí hạt nhân ngầm dưới lòng đất. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện các vụ thử hạt nhân bí mật. Các nhà phân tích Mỹ lo ngại trước việc Trung Quốc mở rộng hoạt động trên thao trường thử vũ khí hạt nhân hồ Lobnor.

Nga lạnh giọng, Mỹ xuống thang

Trước những động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga không loại trừ việc Mỹ dự định rút khỏi Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: "Kế hoạch này là điều dễ hiểu. Mỹ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại những nước khác để sau đó cáo buộc này trở thành cái cớ cho những bước đi cụ thể của Chính quyền Mỹ".

Sputnik dẫn lời ông Daryl Kimball - Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận về kiểm soát vũ khí - nhận định bước đi này có thể được coi như lời mời gửi tới các cường quốc hạt nhân khác để họ theo gương của Mỹ. Chuyên gia này dự đoán sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ khí chiến lược quy mô lớn chưa từng thấy.

Máy bay ném bom hạt nhân B-52 của Mỹ với dàn vũ khí "khủng"

Còn theo chuyên gia quân sự Artem Kureyev thuộc Trung tâm phân tích Valdai, những vụ thử hạt nhân của Mỹ sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Nga-Mỹ, mà còn bị châu Âu nhìn nhận rất tiêu cực. Ông nhận định: "Ngay cả hai đối tác trung thành nhất của Mỹ là Anh và Đức chắc cũng sẽ không ủng hộ điều này. Mặt khác, những vụ thử như vậy sẽ cho phép Nga và Trung Quốc cải thiện phần nào hình ảnh của họ trên trường quốc tế nếu hai nước này tự nguyện từ chối nối lại thử nghiệm hạt nhân”.

Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga Sergei Sudakov cho rằng ngày nay, không có gì ngăn cản Mỹ đơn phương rút khỏi CTBT. Ông Sudakov nhận định: "Hiện nay, Mỹ chỉ đơn giản không cần đến bất kỳ thỏa thuận và tổ chức quốc tế nào mà theo quan điểm của Washington đang ngăn cản sự phát triển của họ”.

Dẫn chứng được đưa ra là việc Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và không có ý định gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Mới đây, Mỹ cũng đã quyết ddihj rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Theo ông Sudakov, hiệp ước tiếp theo mà Mỹ sẽ rút khỏi là Thỏa thuận cấm đưa vũ khí lên không gian.

Viện sĩ Sudakov của Nga cũng lưu ý rằng các công việc chuẩn bị cho vụ thử vũ khí hạt nhân có thể được thực hiện rất nhanh. Ông Sudakov nói: "Trên bản đồ Mỹ có hai khu vực mà Nga chưa bao giờ được phép bay vào trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở. Đó là quần đảo Aleutian và Hawaii. Mỹ chắc sẽ không thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên quần đảo Hawaii nhưng rất có thể họ sẽ làm như vậy trên quần đảo Aleutian”.

Bom hạt nhân B61-12 được gắn trên máy bay F-15E của Mỹ

Theo ông Sudakov, các bãi thử hạt nhân của Mỹ vẫn còn ở Aleutian. Mỹ cũng có thể thực hiện những vụ thử ở Nevada và thậm chí không cần thực hiện những công việc mở lại bãi thử. Viện sĩ Nga nhấn mạnh, thao trường này bị đóng cửa “chỉ về mặt chính thức".

CTBT có hiệu lực từ năm 1996 với 180 nước tham gia ký kết. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều phê chuẩn hiệp ước này, trong đó có Mỹ. Do đó, người Nga hiểu rằng Washington có thể tự do hành động. chuyên gia quân sự Artem Kureyev thuộc Trung tâm phân tích Valdai nói: "Trên thực tế, hiệp ước này đã chết yểu. Israel và Mỹ không phê chuẩn CTBT. Ba thành viên mới của câu lạc bộ hạt nhân gồm Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên không ký bất cứ điều gì. Vì vậy, đây không phải là hiệp ước mà chỉ là một cử chỉ thiện chí".

Theo Sputnik, trong những năm gần đây, Mỹ bắt đầu tăng cường các lực lượng hạt nhân của nước này. Một trong những giai đoạn của chương trình này là triển khai đầu đạn hạt nhân công suất 5 kiloton trên tàu ngầm chiến lược Ohio. Mỹ lên kế hoạch triển khai một hoặc hai tên lửa đạn đạo chiến thuật trên 14 tàu ngầm.

Mỹ cũng đã phát triển bom hạt nhân thế hệ mới B61-12 công suất nhỏ, dự kiến bố trí ở các căn cứ của Mỹ tại châu Âu. Theo Sputnik, sự khác biệt chính giữa B61-12 và các phiên bản trước là hệ thống dẫn đường đặc biệt, nghĩa là bom hạt nhân không có điều khiển đã biến thành loại đạn có độ chính xác cao và có thể điều khiển.

Trước những động thái quyết liệt của Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin ngày 2/6 đã ký sắc lệnh các nguyên tắc cơ bản trong chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Theo sắc lệnh này, Nga có quyền giáng trả các cuộc tấn công hạt nhân. Sắc lệnh viết: "Liên bang Nga có quyền tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công tương tự hoặc trong trường hợp có nguy cơ đối với sự tồn vong của nhà nước".

Nga thử tên lửa siêu thanh Avangard và công khai cho Mỹ xem

Văn kiện này quy định rằng chính sách của Nga là phòng thủ và duy trì các khả năng ở mức đủ để đảm bảo răn đe hạt nhân, đảm bảo bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và ngăn chặn sự xâm lược nước này hoặc các đồng minh của Nga. Với khả năng răn đe hạt nhân, Nga sẽ tính đến việc triển khai vũ khí siêu âm và laser, máy bay không người lái mang tên lửa và máy bay không người lái tấn công, các lá chắn tên lửa và vũ khí hạt nhân cũng như các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của kẻ thù tiềm tàng.

Theo sắc lệnh, Nga coi việc thiết lập và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và các hệ thống tấn công trong vũ trụ là mối đe dọa, và để hóa giải điều này đòi hỏi phải có khả năng răn đe hạt nhân.

Một ngày sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/6 tuyên bố Moscow sẽ không bao giờ khởi xướng việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Peskvo cho biết chính sách trên sẽ chỉ rõ những tình huống có thể khiến Nga phải đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân nước ngoài.

Gần như ngay lập tức, trong ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông muốn ký kết hiệp ước hạt nhân với Nga. Phát biểu với báo giới, nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Tôi muốn có một hiệp ước hạt nhân, bởi vì đây là vấn đề lớn nhất đang tồn tại trên thế giới".

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien, cho biết Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga trong tương lai gần. Theo ông Robert O'Brien, Nhà Trắng đã tập hợp một nhóm các nhà đàm phán nhằm tiến tới giải quyết các tranh cãi về New START.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-quyet-choi-hat-nhan-voi-nga-3404318/