Mỹ quan trọng trong cân bằng chiến lược với Trung Quốc ở Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á lôi kéo Mỹ can dự vào khu vực.

Tuần này, Thủ tướng Najib Razak của Malaysia thăm Mỹ. Đây là cuộc gặp gỡ cấp cao thứ hai của một nhà lãnh đạo Đông Nam Á với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Malaysia muốn giữ cần bằng với Mỹ

Lần đầu tiên Najib thăm Mỹ kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2009 và 13 năm sau khi Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi thăm Mỹ năm 2004.

Malaysia đã phần nào khuất phục trước Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đối nội, Thủ tướng Najib Razak từ năm 2015 đối mặt với những cáo buộc mạnh mẽ liên quan đến biển thủ công quỹ, tham nhũng và thao túng bầu cử – điều này đánh thẳng vào vai trò lãnh đạo cũng như tính chính danh của chính phủ của ông ta. Najib đã sang Bắc Kinh tìm sự trợ giúp và Bắc Kinh đã hỗ trợ nhiều mặt để Najib Razak vượt qua cơn sóng gió. Ngoài ra, như cựu Thủ tướng Mahathir, 92 tuổi, nhận xét: “Ông ta (Najib) sang thăm ông Trump rõ ràng là nhằm rửa sạch hình ảnh của mình trước người dân trong nước”.

Tuy nhiên, không thể làm lu mờ ý nghĩa địa-chính trị của chuyến thăm. Về phía Malaysia, nó cho thấy nước này dường như không từ bỏ lập trường ít nhiều cân bằng nước lớn – vừa thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong khi đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc.

Malaysia, nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á, được Trung Quốc cam kết đầu tư 400 tỷ ringgit (khoảng 95 tỷ US) vào các dự án xây dựng đường sắt cao tốc và cảng biển trong 2 thập kỷ tới. Nước này đạt tăng trưởng kinh tế lành mạnh trong quý II/2017 với tỷ lệ 5,8%, một phần nhờ kết nối với kinh tế Trung Quốc.

Mỹ có vai trò quan trọng trong cân bằng chiến lược tại Đông Nam Á

Đông Nam Á đang đứng trước thách thức chiến lược to lớn. Tương quan lực lượng tại châu Á thay đổi không ngừng. Một thế cân bằng mới đang hình thành, với sự tăng cường mạnh mẽ vai trò của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao chu biên của Bắc Kinh được sự hỗ trợ của quan hệ kinh tế và tín dụng ưu đãi, đang xói mòn sự thống nhất của ASEAN khi tổ chức này tròn 50 tuổi.

Bắc Kinh dưới thời Tập Cận Bình đã bỏ qua phương châm “dấu mình chờ thời”, đẩy mạnh tranh giành ảnh hưởng với các nước lớn Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) là một công cụ và phương thức của chiến lược toàn cầu mới của Trung Quốc.

Tại Đông Nam Á, kịch bản nhiều khả năng nhất đó là Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống chiến lược do Mỹ để lại bằng cách lôi kéo hầu hết các nước trong khu vực về phía mình.

Trong 7 tháng cầm quyền, ông Trump cũng làm một số việc để ứng phó với những thách thức đối với lợi ích của Mỹ ở châu Á: Cử Phó Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm châu Á, đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo châu Á, như Tập Cận Bình, Shinzo Abe, Narendra Modi.

Ông Trump cũng có sự quan tâm khá lớn đối với Đông Nam Á so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Biển Đông cũng được Tổng thống Mỹ chú ý. Ông đã đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; cam kết tham dự hội nghị cấp cao APEC và thăm Việt Nam vào tháng 11. Ngoại trưởng Mỹ đã gặp các ngoại trưởng các nước ASEAN tại Washington.

Tổng thống Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, tháng 5/2017.

Najib Razak là nhà lãnh đạo Đông Nam Á thứ hai làm khách tại Nhà Trắng trong tuần này. Trong tháng 10, ông Trump sẽ đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và có thể cả Thủ tướng Thái LanPrayut Chanocha. Ông Prayut đã đột ngột hủy chuyến thăm Washington đã được thu xếp trong tháng 7; nên lần này Nhà Trắng cho biết vẫn “chưa thu xếp được lịch” đón ông này.

Tuy nhiên, Donald Trump đã bị vấn đề Triều Tiên và các tranh chấp nội bộ làm lạc hướng chính sách châu Á. Trung Quốc một lần nữa đang dẫn dắt cuộc chơi địa-chiến lược với Mỹ; còn nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên cũng đang đẩy ông Trump vào “điệu nhảy tango” vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, như Oh Ei Sun, nhà bình luận chính trị của Malaysia, nhận xét về mục đích chuyến thăm Mỹ của Najib Razak: “Dù muốn hay không, Mỹ vẫn là siêu cường số một của thế giới, nên vẫn phải duy trì chính sách đối ngoại cân bằng truyền thống”.

Tàu khu trục Mỹ USS Stethem tuần tra Biển Đông khu vực đảo Triton.

Cũng chỉ có Mỹ mới có thể đối trọng được Trung Quốc ở khu vực này. Nhưng Washington cũng chỉ có thể làm được điều này với sự phối hợp với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Điệu kèn của của Washington vẫn tỏ ra ngập ngừng. Đông Nam Á hay Biển Đông chỉ chiếm một một vị trí nhỏ trong bản đồ ưu tiên chiến lược của Mỹ. Cho đến nay, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, mấy chức vụ quan trọng hoặch định chính sách Đông Á, trong đó có Đông Nam Á, vẫn chưa được bổ nhiệm.

Nhưng, vì lợi ích chung duy trì hòa bình, ổn định và truyền thống cân bằng nước lớn tại khu vực, các quốc gia Đông Nam Á và tổ chức ASEAN đang tranh thủ sự hợp tác của Mỹ, “lôi kéo” Mỹ can dự vào các vấn đề của khu vực./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/my-quan-trong-trong-can-bang-chien-luoc-voi-trung-quoc-o-dong-nam-a-253557.html