Mỹ-phương Tây chỉ trích rồi cấp phép vaccine COVID-19 theo kiểu Nga?

Quan chức y tế Mỹ sẵn sàng cấp phép cho vaccine còn đang thử nghiệm giống như cách Nga đã thực hiện đối với vaccine Sputnik-V.

Việc Nga cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 tên Sputnik V hôm 11/8 chỉ sau 2 tháng thử nghiệm trên người đã nhận lại sự chỉ trích mạnh mẽ của giới chuyên gia phương Tây lo ngại về tính an toàn và độ hiệu quả.

Một lô vaccine nCoV, do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phối hợp cùng Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) phát triển, đang trong quá trình sản xuất tại công ty dược phẩm Binnopharm, Moscow, Nga, ngày 7/8. Ảnh: Reuters.

Một lô vaccine nCoV, do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phối hợp cùng Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) phát triển, đang trong quá trình sản xuất tại công ty dược phẩm Binnopharm, Moscow, Nga, ngày 7/8. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đến nay, ngay cả phương Tây cũng đang dần chấp thuận việc rút ngắn quy trình thử nghiệm để công bố một vaccine phòng chống lại căn bệnh toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố về khả năng rút ngắn quá trình công bố vaccine ngừa COVID-19 ở nước này.

Giám đốc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn mới đây nói sẵn sàng cấp phép cho vaccine còn đang thử nghiệm nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ.

Ông cho hay tiêu chuẩn để cấp phép "vì lợi ích cao cả khi sức khỏe cộng đồng đang gặp nguy cơ khẩn cấp" và khẳng định không bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn nước rút.

"Đây là một quyết định dựa trên khoa học, y học và dữ liệu, không phải quyết định dựa trên chính trị" - ông Hahn nói.

Reuters cho biết, FDA những tuần gần đây chịu áp lực ngày càng lớn từ Tổng thống Donald Trump, người muốn công bố hoặc đưa vào sử dụng một loại vaccine trước cuộc bầu cử tháng 11.

Tổng thống Trump chỉ trích FDA, cho rằng cơ quan này đang mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, dẫn tới việc kéo dài quy trình phê chuẩn vaccine, dù không có bằng chứng. Steve Bannon, phát ngôn viên của chính quyền Trump, cũng bác bỏ suy nghĩ này.

Stephen Hahn (phải), lãnh đạo FDA, đứng cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 23/8. Ảnh: AP.

Chính phủ Anh tuần trước cũng lên kế hoạch cho phép cơ quan quản lý y tế cấp phép tạm thời cho vắc xin nếu đạt độ an toàn và chất lượng cần thiết.

Trước các phản ứng mới nhất từ hai quốc gia đã từng kịch liệt chỉ trích Moscow vì thông qua công bố vaccine ngừa COVID-19 sớm trước thời hạn, một quan chức Nga đã lên tiếng bình luận.

Giám đốc quỹ đầu tư nhà nước Nga RDIF Kirill Dmitriev ngày 31/8 nói rằng những tuyên bố của giới chức khoa học Mỹ và Anh là sự thừa nhận của phương Tây về việc cách làm của Nga đã đúng và đang làm theo.

“Phương Tây bị sốc bởi thành công của Nga trong việc sản xuất vắc xin và họ phải trải qua 4 giai đoạn thừa nhận không thể tránh khỏi: phủ nhận, tức giận, suy sụp và cuối cùng là thừa nhận.

Những tuyên bố gần đây cho thấy một số đối tác phương Tây của chúng tôi đã vượt qua giai đoạn suy sụp và họ đã bắt đầu thừa nhận rằng cách tiếp cận của Nga là chính xác” - ông Dmitriev nói.

Nga đã chuẩn bị kết thúc thử nghiệm vaccine thứ hai vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Vaccine mới có tên gọi "EpiVacCorona". Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 26/8, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết vaccine do Viện Virus học Vector ở Siberia phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9.

Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cũng cho biết thêm rằng việc tiến hành tiêm vaccine nCoV hàng loạt cho các nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ bắt đầu vào tháng 11, 12.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-phuong-tay-chi-trich-roi-cap-phep-vaccine-covid-19-theo-kieu-nga-3418258/