Mỹ - Philippines: Quan hệ ấm lên, thách thức vẫn còn

Trong chuyến công du Philippines, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông có một 'mối quan hệ tuyệt vời' với Tổng thống Rodrigo Duterte - người đang tiến hành cuộc chiến chống ma túy gây nhiều tranh cãi.

Ngày 13/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở Philippines cùng với lãnh đạo của 18 quốc gia khác để tham dự các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 kéo dài 2 ngày (13-14/11). Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 5 nước châu Á kéo dài 12 ngày của Tổng thống Trump.

Sự đồng điệu của hai nhà lãnh đạo

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi ông Trump kết thúc chuyến thăm châu Á bằng một tuyên bố mạnh mẽ phản đối cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, trong một loạt cuộc họp diễn ra hôm 12 - 13/11, ông Trump và ông Duterte có vẻ thực sự thích thú khi đồng hành cùng nhau. Ông Trump còn dành tặng những lời ca ngợi cho Tổng thống Duterter khi nói: “Chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời. Chuyến thăm này rất thành công”, đồng thời khen ngợi ông Duterte đã tổ chức các cuộc họp cấp cao rất suôn sẻ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông có một “mối quan hệ tuyệt vời” với Tổng thống Rodrigo Duterte.

Người Phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết, ông Trump đã không bày tỏ bất kì mối bận tâm nào liên quan đến vấn đề nhân quyền trong cuộc họp. Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ gật đầu khi nghe ông Duterte nói về cuộc chiến chống ma túy. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders lại nói rằng, vấn đề nhân quyền đã được nêu ra, dù rất “ngắn gọn”.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những người chỉ trích gay gắt về cuộc chiến chống ma túy đầy tranh cãi của Tổng thống Duterte. Để đáp trả, ông Duterte đã đưa ra những lời khó nghe đối với Tổng thống Obama. Việc này đã khiến ông Obama phải hủy các cuộc họp giữa hai nước. Từ đó, mối quan hệ đồng minh giữa Philippnes và Mỹ, vốn bị ràng buộc bởi hiệp ước quốc phòng, đã suy yếu mạnh mẽ và ông Duterte có phần hướng sang mối quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Năm ngoái, ông Duterte đã tuyên bố việc “tách” Philippines khỏi Mỹ. Cụ thể, ngày 16/12, Tổng thống Duterte đã thông báo với Mỹ rằng, Washington cần sẵn sàng cho việc hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng giữa hai nước. “Chúng tôi có thể tồn tại mà không cần tiền của Mỹ, nhưng các bạn cũng có vài điều cần phải lưu ý. Hãy chuẩn bị rời khỏi Philippines. Hãy chuẩn bị cho việc hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Mỹ viếng thăm (VFA)”, ông Duterte nói.

Tuy nhiên, ông Trump đã nói với người đồng cấp Duterte trong một cuộc điện đàm hồi tháng 4/2017 rằng ông Duterte đang thực hiện một "công việc tuyệt vời". Động thái này của Tổng thống Trump đã giúp làm tan băng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Để khẳng định mối quan hệ song phương đã trở lại đúng hướng, ngày 13/11, ông Duterte khẳng định Manila là đồng minh quan trọng của Washington.

Vẫn còn nhiều thách thức trong quan hệ đang đón chờ hai nhà lãnh đạo. (Nguồn: Philstars.com)

Nhiều vấn đề cần hợp tác giải quyết

Bất chấp những tiến triển trong mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines, một số nhà phân tích cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được giải quyết giữa hai nước.

Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch cấp cao, kiêm Giám đốc Chính sách của Trung tâm nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống (Mỹ) nhận định, còn nhiều vấn đề lớn hơn cần được Mỹ và Philippines giải quyết, vượt quá khuôn khổ cuộc họp Trump - Duterte vừa qua. Cách tiếp cận của Philippines đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Mỹ.

Darrell West, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), cho rằng mối quan hệ giữa những cá nhân có tinh đặc biệt quan trọng đối với chính sách đối ngoại. Nếu hai nhà lãnh đạo cảm thấy quý mến nhau, điều đó sẽ giúp họ làm việc cùng nhau và cùng giải quyết những vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, những nỗ lực nhằm gây áp lực thêm nữa để buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân là những vấn đề thảo luận hàng đầu của các nhà lãnh đạo tại Manila. Ông Duterte nói: "Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực đang gây nguy hiểm cho nền hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực của chúng ta, bởi vì những mối đe dọa này không hề có ranh giới".

Ngoài ra, chuyên gia Mahaffee cho rằng việc xúc tiến một loạt lĩnh vực từ thương mại, khủng bố, khí hậu và những thỏa thuận khác vẫn là một thách thức thực sự trong những cuộc họp này.

(theo AFP, Tân Hoa xã)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/my-philippines-quan-he-am-len-thach-thuc-van-con-60796.html