Mỹ-Philippines 'ly hôn giả' để 'thắng' trên Biển Đông?

Với việc Trung Quốc đã nhượng bộ quyền đánh cá cho ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough, vụ "ly hôn giả" của Mỹ và Philippines dường như đã có chiến thắng đầu tiên.

Câu chuyện về những phát ngôn "thất thường" và chính sách đối ngoại thay đổi khó lường của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến nhận thức về quyền lực trong khu vực Đông Nam Á trở nên hỗn độn.

Tàu Trung Quốc đang ngăn cản người Philippines lên bãi cạn Scarborough.

Kể từ khi nhậm chức cho đến nay, Duterte cho thấy ông là nhân vật có tư tưởng cứng rắn với phương Tây, khi nhiều lần tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng những ngôn từ "thô bạo". Đồng thời gửi đến thông điệp gần gũi hơn với Bắc Kinh và Moscow.

Duterte thậm chí đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc trước khi tổ chức một cuộc gặp chính thức với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sau chuyến đi này ông còn xác nhận không có kế hoạch tới Washington.

Người ta sẽ còn nói nhiều về hướng đi mới của nhà lãnh đạo Philippines, về những lợi ích cũng như mặt tiêu cực của quyết định này, nhưng theo Cal Wong, bình luận viên của tờ The Diplomat, ít ra có thể thấy chiến lược này đã phần nào mang lại hiệu quả, trước mắt là ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/10 đã xác nhận các tàu đánh cá Philippines sẽ được nước này cho phép khai thác xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh đã "sắp xếp hợp lý về vấn đề này trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Philippines", sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu vấn đề trong chuyến thăm gần đây của ông đến Bắc Kinh.

Bãi Scarborough là khu vực được cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền và hiện nay tranh chấp vẫn diễn ra căng thẳng.

Về mặt pháp lý, bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines vốn được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển công nhận.

Kể từ năm 1997, Philippines đòi chủ quyền đối với bãi cạn. Tuy nhiên trong một sự cố hồi tháng 6/2012, Trung Quốc đã chiếm thành công bãi cạn Scarborough từ tay Philippines

Trung Quốc đã triển khai các tàu hải giám ra khu vực này và ra lệnh cấm tàu thuyền đánh cá Philippines được phép tiếp cận ngư trường truyền thống của họ từ nhiều năm qua.

Trong báo cáo từ hôm thứ Sáu của lực lượng bờ biển Philippines, đã không còn tàu Trung Quốc nào xuất hiện tại vùng nước nông trong ba ngày, và ngư dân Philippines có thể lần đầu tiên trong 4 năm tiến gần đến bãi cạn mà không bị cản trở.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết báo cáo vẫn đang được xác nhận. Theo một báo cáo khác nêu rõ, tàu của Trung Quốc vẫn còn trong khu vực, nhưng không quấy rối tàu thuyền đánh cá Philippines.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Duterte Hermogenes Esperon cho biết: "Không có thỏa thuận được ký kết, nhưng có vẻ như quyền đánh bắt truyền thống của ngư dân chúng tôi đang được tôn trọng".

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát Scarborough từ năm 2012, Trung Quốc đã liên tục ngăn chặn ngư dân Philippines, đồng thời có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn cải tạo và xây dựng ở khu vực này giống như đã từng thực hiện trái phép trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Một năm sau sự bế tắc ở Scarborough Shoal, Tổng thống Philippines lúc đó là Benigno Aquino III đã có hành động pháp lý khi đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.

Một phán quyết hồi tháng 7 được đưa ra đã khẳng định Trung Quốc vi phạm quyền của người Philippines khi ngăn chặn họ đánh bắt cá ở Scarborough.

Phán quyết này cũng tuyên bố rạch ròi vùng biển quốc tế và các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia trong khu vực, bác bỏ yêu sách lãnh thổ ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông với cái gọi là "đường lưỡi bò".

Philippines và Mỹ chỉ "ly hôn giả" trước khi ông Duterte tới Trung Quốc?

Phía Trung Quốc ngay sau đó đã công khai lên án phán quyết và cho biết nước này coi quyết định của tòa án quốc tế là vô nghĩa và tiếp tục chặn ngư dân Philippines.

Trong phản ứng của mình, phía Mỹ đánh giá việc tàu Trung Quốc rời khỏi bãi cạn Scarborough là động thái đáng hoan nghênh.

"Chúng tôi hy vọng đây không phải là một biện pháp tạm thời. Chúng tôi muốn động thái này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Philippines đang tiến tới một thỏa thuận về quyền đánh bắt chung tại Scarborough, dựa trên nền tảng phù hợp với các quyết định của Tòa Trọng tài", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói.

Theo bình luận viên Cal Wong, Trung Quốc có vẻ như vẫn kín tiếng về việc này khi không thừa nhận rằng ngư dân Philippines được phép hoạt động tại đây có phải là do Bắc Kinh đã thừa nhận hiệu lực của phán quyết hôm 12/7 hay không.

Hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng chỉ nhấn mạnh "hai nước đang tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông một cách thích hợp".

Trong khi đó, phía chính quyền của Tổng thống Duterte cũng yên ắng một cách lạ thường khi không có những phát ngôn xác nhận hay bác bỏ.

Chiến lược của Duterte đã bước đầu thành công?

Shishao Han từ tờ China Focus đánh giá Tổng thống Duterte có lẽ đã có cho mình một chiến lược ngoại giao khôn khéo, cân bằng hợp lý giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhìn vào thực tế, Philippines rõ ràng không thể có tiềm lực sánh ngang với Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông. Vị thế địa chính trị của Philippines đã khiến quốc gia này không thể chỉ phụ thuộc vào một bên và bỏ qua bên khác, đặc biệt là khi sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gia tăng.

Theo chuyên gia, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã thực hiện các chiến lược dựa hoàn toàn vào Mỹ, và hậu quả phải đối mặt là các đòn trừng phạt về kinh tế đến từ Trung Quốc vấn đề trên Biển Đông ngày một leo thang.

Ông Duterte nhận thức được điều này và muốn thay đổi chiến lược một cách hài hòa hơn. Với việc nền kinh tế của Philippines phụ thuộc vào xuất khẩu nông nghiệp và Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong khu vực, Manila cần phải có sự gần gũi về kinh tế để tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Tuy nhiên hướng đi của Duterte không đồng nghĩa với việc hiệp ước đồng minh giữa Philippines và Mỹ phải tan vỡ để chiều lòng Bắc Kinh.

Ngay khi có chuyến thăm tới Nhật Bản, ông Duterte đã giải thích ngay lập tức rằng thuật ngữ "tách khỏi Mỹ" của ông đơn thuần chỉ áp dụng cho vấn đề kinh tế, nó không đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ hoàn toàn với Mỹ.

Ông cũng nhắc khéo rằng Philippines sẽ ủng hộ hoàn toàn Nhật Bản trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc - và ai cũng biết rằng Tokyo là đồng minh thân cận của Washington.

Không như những nhận định trước đó của nhiều nhà phân tích, Philippines không hoàn toàn ngả theo "trục" Trung Quốc. Và với thành công có thể nhìn thấy được ở Scarborough. Người dân Philippines sẽ càng có lý do tin tưởng hơn vào chiến lược mới của Tổng thống Duterte.

Tờ China Focus dẫn một lời bình luận khá thú vị của cư dân mạng Trung Quốc trong đó so sánh chiến lược khôn khéo của nhà lãnh đạo Philippines khi phải đứng giữa hai cường quốc lớn.

"Chúng tôi đã nhìn thấy điều này quá thường xuyên, nó chỉ giống như một cuộc ly hôn giả giữa một cặp vợ chồng (Philippines và Mỹ) để cố gắng nhận được trợ cấp nhà ở. Và họ sẽ lại 'kết hôn' ngay sau khi ông Duterte đã nhận được lợi ích từ Trung Quốc".

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chien-luoc-cua-duterte-da-thang-buoc-dau-tien-tren-bien-dong-a304835.html