Mỹ phát triển khái niệm tác chiến không người lái kiểu mới

Mỹ đang tiến hành cuộc diễn tập hỗn hợp đầu tiên giữa các thiết bị không người lái và có người lái, đây là khái niệm tác chiến mới, chưa quốc gia nào áp dụng.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI), hôm 19/4 Hải quân Mỹ đã chính thức khai mạc cuộc diễn tập đầu tiên sử dụng cả hệ thống có người lái và không người lái trên không, trên biển.

Báo cáo cho rằng đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên về các hoạt động tác chiến hỗn hợp trong tương lai của quân đội Mỹ đối với tàu có người lái và không người lái.

Theo báo cáo, trước khi diễn ra cuộc tập trận này, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một hệ thống để đưa ra các yêu cầu và khái niệm hoạt động của tàu mặt nước không người lái.

Khu trục hạm USS Michael Monsoor của Hải quân Mỹ. Nguồn: people.com.cn.

Khu trục hạm USS Michael Monsoor của Hải quân Mỹ. Nguồn: people.com.cn.

Cuộc tập trận này sẽ lần đầu tiên cho thấy Hải quân Mỹ phải làm gì trong giai đoạn hiện nay để đạt được mục tiêu xây dựng một hạm đội hỗn hợp có người lái và không người lái.

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, cuộc tập trận có tên "Vấn đề tác chiến tích hợp không người lái-21" do Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội 3 phối hơp thực hiện, các khoa mục diễn tập sẽ kéo dài đến ngày 26/4.

Báo cáo của USNI đề cập rằng, các cuộc thử nghiệm chiến đấu không người lái trước đây của Mỹ chủ yếu là việc sử dụng tàu khu trục lớp Zumwalt USS Michael Monsoor đóng vai trò trung tâm chỉ huy điều khiển các hệ thống không người lái trinh sát như Sea Hunter và Sea Hawk hay máy bay không người lái MQ-9.

Hoạt động thử nghiệm cũng bao gồm một dự án nghiên cứu có tên "Super Swarm", nhằm mục đích nghiên cứu cách sử dụng và bảo vệ các “bầy đàn” máy bay không người lái.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Harker cho biết: “Hệ thống không người lái là một nhân tố mạnh mẽ cho lực lượng hải quân của chúng tôi. Chúng (ám chỉ các hệ thống không người lái) mang lại rất nhiều khả năng cho hạm đội".

Theo báo cáo, trong năm qua, các hệ thống không người lái là tâm điểm thảo luận của Hải quân Mỹ vì chúng chiếm vị trí quan trọng trong kế hoạch đóng tàu tương lai do Hải quân Mỹ đề xuất và chiến lược hàng hải của Mỹ.

Tháng trước, Hải quân Mỹ cũng đã ban hành khung quy định chiến đấu không người lái, trong đó đã phác thảo những gì Hải quân Mỹ muốn làm trong chiến đấu không người lái và những khoản đầu tư cần thiết để hiện thực hóa những tầm nhìn này.

Chuẩn Đô đốc Mỹ Robert Gaucher cho biết: "Trong mười năm qua, chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hàng không không người lái. Trên cơ sở đó, Hạm đội Thái Bình Dương đang hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Tác chiến Hải quân đối với việc đưa vào thực hiện kế hoạch tác chiến không người lái ".

Ông nói thêm: "Mục tiêu tổng thể của cuộc tập trận này là tích hợp khả năng tác chiến không người lái của chúng tôi trong tất cả các lĩnh vực".

Ngoài ra, theo tờ Popular Mechanics, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đang thử nghiệm sử dụng những tàu mặt nước tự động có khả năng mang máy bay không người lái nhằm hỗ trợ hỏa lực trong các chiến dịch đổ bộ.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã phê duyệt tập đoàn đóng tàu Metal Shark (có trụ sở tại Louisiana) là nhà thầu chính của dự án tàu mặt nước không người lái này. Lực lượng này còn có kế hoạch trang bị bổ sung một loại đạn dược tân tiến và hỏa lực trên mỗi module tàu đổ bộ tương lai.

Mỗi con tàu này sẽ hoạt động như một cứ điểm hỗ trợ hỏa lực di động, phục vụ các tình huống khẩn cấp và sẵn sàng tung các UAV đi tác chiến. Metal Shark đã mời nhà phát triển công nghệ tự hành Spatial Integrated Systems (SIS) cung cấp giải pháp Hệ thống tự chủ cho Tàu mặt nước không người lái tầm xa (LRUSV).

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/my-phat-trien-khai-niem-tac-chien-khong-nguoi-lai-kieu-moi-282419.html