Mỹ phát triển ăngten Wi-Fi mềm bằng cách phun vật liệu trên giấy

Theo tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một công nghệ đơn giản để tạo ra các ăngten mỏng và mềm từ vật liệu hai chiều có khả năng dẫn điện.

Cơ cấu vi mô của các lớp ăngten mỏng và mềm - Ảnh: Science Advances

Các nhà khoa học đã đề xuất dùng súng phun sơn để phun hạt vật liệu trên giấy hoặc chất liệu polymer. Họ đã sử dụng phương pháp này để tạo ra nhiều nguyên mẫu, trong đó có ăngten Wi-Fi, ăngten cho các thiết bị Bluetooth và các nhãn dán RFID-tag cho các sản phẩm như quần áo và có thể hoạt động được ở khoảng cách 8m.

Được biết, một trong những vấn đề nan giải về công nghệ mà các nhà phát triển thiết bị điện tử xách tay phải đối mặt là nhiều thành phần của chúng phải được tạo ra từ các vật liệu cứng, vì vậy, thiết bị không tiện khi di chuyển. Nhiều thành phần đã được “mềm hóa” như màn hình mềm, nhưng cho đến nay hầu như tất cả những thành phần này không được sản xuất hàng loạt do do hiệu suất thấp, thiếu độ tin cậy hoặc quá trình chế tạo phức tạp và tốn kém.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Drexel, Mỹ, đã phát triển một cách tương đối đơn giản để tạo ra các ăngten mỏng và mềm dựa trên vật liệu hai chiều có khả năng dẫn điện là cacbua titan. Quá trình tạo ăngten như vậy là khá đơn giản và những ăngten mỏng mảnh này đáp ứng được nhu cầu chế tạo các thiết bị vi mô.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/my-phat-trien-angten-wi-fi-mem-bang-cach-phun-vat-lieu-tren-giay-97381.html