Mỹ phản bác: Dân thường thương vong không phải lỗi mình Mỹ

Quân đội Mỹ đã có những phản hồi liên quan tới việc bị Nga, Syria tố cáo dùng bom phốt-pho bị cấm trong việc không kích Đông Syria?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết ngày 15/11, Mỹ đã nối lại các hoạt động không kích khốc liệt tại một số khu vực miền Đông Syria. Đáng chú ý, Mỹ đã sử dụng bom phốt-pho trắng vốn bị cấm trong các cuộc không kích này.

Trước đó, Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria đưa tin, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã sử dụng bom chùm khi nhằm mục tiêu vào thị trấn al-Sha’afa- và Hajin. Các cuộc không kích được báo cáo là đã gây ra thương vong cho dân thường. Liên quân Mỹ cũng bị cáo buộc đã sử dụng phốt-pho trắng - loại vũ khí hóa học bị cấm theo các công ước quốc tế trong khi tấn công Hajin hồi đầu tháng 11/2018.

Đáp trả lại những cáo buộc này, người phát ngôn lực lượng liên quân Sean Ryan ngày 15/11 khẳng định các thông tin về việc liên quân sử dụng bom chùm và bom phốt-pho trong các cuộc không kích tại thành phố Hajin và làng Shaafa thuộc tỉnh Deir Ezzor của Syria là không chính xác.

Theo ông Ryan, các vũ khí được sử dụng trong việc chống khủng bố IS ở thung lũng sông Euphrates thuộc miền Đông Syria đều tuân theo Luật Xung đột vũ trang.

Một cuộc không kích của quân Mỹ vào Syria

Liên quan đến các cáo buộc Mỹ làm dân thường Syria bị thương vong trong các cuộc không kích, Người phát ngôn của liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng phản bác lại các cáo buộc này.

Ông Sean Ryan cho rằng không chỉ có một mình Mỹ thực hiện các cuộc không kích làm tổn thương đến dân thường mà cả Nga cũng như các lực lượng đang chiến đấu tại Syria đều đã gây ra những cái chết không đáng có.

"Đó là một phần tất yếu của chiến tranh, chúng tôi chỉ cố gắng hạn chế những rủi ro đó đến mức thấp nhất. Chúng tôi cũng có những số liệu về những cái chết do lực lượng khác gây ra" - Ông Ryan cho biết.

Trước đó hồi tháng 4/2018, Nga cũng tố cáo tìm thấy nhiều thùng khí chlorine có nguồn gốc từ Đức, Anh - loại vũ khí hóa học khủng khiếp nhất tại vùng Đông Ghouta của Syria.

Phản hồi lại việc này vào thời điểm đó, Mỹ đã cáo buộc ngược lại rằng Nga mới là người đang đứng sau các cuộc tiếp tế vũ khí hóa học đến Syria và đang tìm cách xóa bỏ dấu vết tại các địa điểm nghi ngờ. Mỹ cũng nhấn mạnh cần phải cho các quan sát viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW đến hiện trường những nơi được cho là có chứa loại vũ khí mà Nga cáo buộc.

Nga và Syria đã nhiều lần từ chối việc cho OPCW đến Syria thanh tra các khu vực bị vũ khí hóa học tấn công hoặc chứa loại vũ khí này. Đến tháng 10/2018, Moscow và Damascus mới đồng ý mở cửa các kho vũ khí hóa học của Syria để OPCW kiểm tra.

Việc sử dụng vũ khí gây cháy như phốt-pho trắng trong khu dân cư đã bị cấm theo Nghị định thư 3 (III) của Công ước về hạn chế hoặc cấm một số vũ khí thông thường năm 1980.

Ngoài ra, bom chùm là loại bom có thân rỗng, bên trong chứa đến 100 quả bom con với khối lượng có thể lên tới 10 kg/quả bom con. Bom chùm được sử dụng nhằm tiêu diệt bộ binh, tăng thiết giáp và cơ sở hạ tầng của đối phương trên diện tích lớn.

Tuy nhiên, những quả bom con sau khi được bung ra nếu không phát nổ sẽ trở thành những quả mìn hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây sát thương cho người dân và binh lính sau này.

Năm 2010, hơn 100 quốc gia đã tham gia ký Công ước cấm sử dụng bom chùm. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và một số nước khác chưa tham gia văn kiện này.

Phần thưởng cho sử dụng vũ khí hóa học?

Tài liệu thu được mới đây tại thành phố Mosul, nơi từng là thành trì của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, cho thấy phiến quân xây dựng quy chế khen thưởng tài chính hậu hĩnh để thúc giục các thành viên chiến đấu, RT hôm nay đưa tin.

Theo quy chế này, lãnh đạo IS treo thưởng một chiếc xe hơi cho phiến quân nào bắn hạ được một máy bay chiến đấu phản lực của đối phương và 7 dinar vàng cho thành tích phá hủy một máy bay trực thăng hoặc máy bay không người lái. Phần thưởng cho những tay súng sử dụng vũ khí hóa học thấp hơn, gồm 10 dinar bạc.

Tài liệu cũng cho thấy IS có quy trình tuyển mộ thành viên rất gắt gao, khi chỉ những kẻ có thư giới thiệu mới được xem xét hồ sơ và trải qua các đợt sát hạch về luật Hồi giáo và kỹ năng chiến đấu. Sau khi được tuyển mộ, các tân binh IS vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ chỉ huy.

IS từng kiểm soát hơn 30% diện tích Iraq và nhiều khu vực rộng lớn ở Syria, nhưng dần suy yếu và hứng chịu hàng loạt thất bại trên chiến trường. Dưới sự yểm trợ của lực lượng do Mỹ dẫn đầu, quân đội Iraq tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn phiến quân khỏi nước này vào tháng 12/2017.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-phan-bac-dan-thuong-thuong-vong-khong-phai-loi-minh-my-3369304/