Mỹ phẩm siêu rẻ: Làm đẹp hay rước họa vào thân?

Quảng cáo là hàng nhập khẩu, nhiều loại mỹ phẩm được live tream bán trên mạng xã hội chỉ có giá vài chục nghìn đồng. Nguồn gốc và chất lượng thực sự của các sản phẩm này đến đâu, vẫn đang là một dấu hỏi.

Tràn lan mỹ phẩm nhập khẩu giá rẻ

Nếu như trước đây, để có mỹ phẩm ngoại, người tiêu dùng phải bỏ ra ít nhất nhất vài trăm nghìn thậm chí vài triệu đồng để mua sắm. Nhưng đến nay cùng với việc mở cửa thị trường, nhiều loại mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Nga… xuất hiện nhiều vô kể trên thị trường.

Đáng chú ý, bên cạnh những mỹ phẩm được nhập khẩu chính hãng, có nhà phân phối chính thức thì từ nhiều năm nay, mỹ phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, được gắn mác hàng hiệu, hàng xách tay được bán tràn lan, đặc biệt là trên mạng xã hội và các website mua bán trực tuyến mà không chịu sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng.

Phấn nước IOPE được quảng cáo có xuất xứ Hàn Quốc nhưng chỉ được bán với giá 39.000đ/hộp

Một trang bán hàng online có tên “Mỹ phẩm Hàn Quốc giá rẻ” đang rầm rộ quảng cáo về dòng sản phẩm mỹ phẩm phấn nước giá siêu rẻ có tên IOPE. Chỉ với 39.000 đồng cho một sản phẩm, shop online này quảng cáo về công dụng của loại sản phẩm được mô tả là “phù thủy” trong ngành trang điểm.

Shop này quảng cáo: “Phấn nước có nhiều tinh chất dưỡng gia chỉ số chống nắng cao, có khả năng làm trắng và ngăn ngừa nếp nhăn”. Bên cạnh đó, shop này khẳng định rằng sản phẩm của mình vô cùng an toàn: “Chiếm 30% là nước khoáng, không chứa chì, phấn có khả năng đàn hồi lỗ chân lông”. Nhắn tin trực tiếp PV được nhân viên tư vấn đảm bảo rằng dù giá rẻ nhưng đảm bảo an toàn, đồng thời khẳng định đây là hàng chính hãng nhập khẩu từ Hàn Quốc, tuy nhiên trên bao bì sản phẩm không có dấu hiệu nào cho thấy sản phẩm được thực hiện đúng về ghi nhãn hàng hóa theo quy định đối với hàng nhập khẩu: Không nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có pháp nhân đại diện phân phối…

Không chỉ xuất hiện trên chợ online, nhiều loại mỹ phẩm giá siêu rẻ gắn mác nhập khẩu có thương hiệu nổi tiếng còn được bán phổ biến tại các quầy mỹ phẩm ở các khu chợ sinh viên, chợ đêm,… Theo quan sát của PV những loại mỹ phẩm được bán “chạy” là các loại son môi, kem dưỡng da, kem trắng da, phấn nước. Giá các sản phẩm này chỉ từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng, rẻ hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng nhãn hiệu nhưng được bán ở các cửa hàng hoặc trong các trung tâm thương mại.

Các loại mỹ phẩm giá rẻ này có giá từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn, phổ biến là son L'Oreal Paris, 3CE, MAC,...Sở dĩ những loại mỹ phẩm rẻ tiền này chiếm lĩnh thị trường là vì giá rẻ, hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng trẻ.

Chị Nguyễn Thị Thương Nga (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) sau khi mua một hộp son dưỡng môi với giá 20.000 đồng tiếp tục mua thêm một lọ phấn nước IOPE chỉ với 39.000 đồng. Chị Nga cho hay: “Chưa có tiền để dùng mỹ phẩm cao cấp nên thi thoảng mình cũng mua một vài sản phẩm về dùng thử. Vì loại phấn nước này rẻ, có 39.000 đồng nên mình cứ mua về, nếu dùng mà thấy không ổn thì bỏ. Giá rẻ nên cũng chẳng tiếc”.

Hiểm họa từ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Thời gian vừa qua đã có rất nhiều trường hợp mua và sử dụng mỹ phẩm giả dẫn đến những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc mua bán mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng dường như chưa có hồi kết khi các sản phẩm này vẫn được bán tràn lan trên mạng, thu hút được rất nhiều người tiêu dùng mua và sử dụng.

Son môi L'Oreal Paris được bán với giá 99.000đ trên sàn thương mại điện tử Shopee, giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại bán ở Stone của hãng

Các shop thường dùng mạng xã hội để quảng cáo "thổi phồng" về chất lượng sản phẩm, lập các trang web mạo danh thương hiệu nhằm bán hàng nhái; hay thậm chí, lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để tuồn các mặt hàng mỹ phẩm kém chất lượng vào thị trường này.

Con số hàng trăm vụ việc mỹ phẩm giả bị phát hiện mỗi năm, dường như không làm giảm bớt sự nhập nhằng trên thị trường mỹ phẩm. Càng đáng lo ngại hơn, giữa lúc mỹ phẩm kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường thì người sử dụng vẫn chưa có cách gì để bảo vệ mình trước những tai hại có thể xảy ra từ mỹ phẩm.

Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thông tin cảnh báo về các website đang quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo. Đây là những khuyến cáo cần thiết để người tiêu dùng cân nhắc và tỉnh táo khi lựa chọn mua các sản phẩm phục vụ sức khỏe và làm đẹp trên các trang mạng.

Các chuyên gia da liễu cho biết: Mỹ phẩm giả gây ra những nguy cơ khôn lường cho sức khỏe người dùng, bởi hầu hết chúng đều chứa chất độc hại với tỷ lệ cao hơn mức cho phép nhiều lần. Sản phẩm có chứa corticod dễ mang cho da có vẻ trắng mịn, nhưng lại gây giãn mạch, nám da, thậm chí có thể gây ung thư da nếu sử dụng lâu ngày.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu: Để đảm bảo an toàn cũng như có được một làn da khỏe mạnh, người tiêu dùng mà đặc biệt là chị em phụ nữ cần phải lựa chọn những thương hiệu mỹ phẩm chính hãng, uy tín. Tránh việc mua hàng trôi nổi không nguồn gốc xuất xứ hay nghe theo những lời quảng cáo “mật ngọt”.

Theo Bảo Anh/Chất lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ phẩm siêu rẻ: Làm đẹp hay rước họa vào thân?" tại chuyên mục Cảnh báo của Khỏe 365. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư : khoe365@nguoiduatin.vn.Hotline: 093 4343 637.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/my-pham-sieu-re-lam-dep-hay-ruoc-hoa-vao-than-55698.htm