Mỹ phạm luật trong cuộc đấu công nghệ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phạm luật khi ban hành lệnh cấm tải ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc.

Mỹ ra đòn dồn dập

Kể từ tháng 7 vừa qua, Mỹ gia tăng cuộc tấn công trong lĩnh vực công nghệ đối với Trung Quốc. Điển hình, ngày 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có bài diễn thuyết nêu rõ thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc là “không tin tưởng, hơn thế còn phải thẩm tra làm rõ”. Theo giới phân tích, ông Pompeo ám chỉ việc Mỹ không tin tưởng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc.

Đến ngày 27/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện biện pháp hạn chế cấp visa vào Mỹ đối với một bộ phận nhân viên của nhiều công ty khoa học công nghệ Trung Quốc, trong đó bao gồm cả Huawei.

Ngày 1/8, Mỹ mở màn “cuộc chiến vây hãm” ứng dụng TikTok của Trung Quốc với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cấm TikTok lưu hành tại Mỹ. Hai ngày sau, ông Trump ra điều kiện nếu như đến ngày 15/9, TikTok chưa thể kết thúc đàm phán chuyển nhượng cho công ty Mỹ, sẽ ra lệnh cấm sử dụng TikTok trên toàn nước Mỹ, đồng thời kiến nghị Microsoft của Mỹ mua lại toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh của TikTok.

Mỹ liên tục leo thang trong cuộc chiến công nghệ chống Trung Quốc

Mỹ liên tục leo thang trong cuộc chiến công nghệ chống Trung Quốc

Ngày 6/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc TikTok và WeChat phiên bản quốc tế là mối đe dọa lớn và tuyên bố mở rộng chương trình “Mạng sạch” ra 5 phạm vi lớn là chương trình ứng dụng, nền tảng ứng dụng, doanh nghiệp viễn thông, dịch vụ diện toán đám mây và cáp quang. Theo đó, Mỹ cấm các chương trình ứng dụng và doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc lưu trữ dữ liệu nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ.

Ngày 7/8, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp cấm các doanh nghiệp Mỹ tiến hành các giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance và công ty mẹ của WeChat là Tencent. Cùng ngày, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấm viên chức Mỹ sử dụng thiết bị điện tử được trang bị để tải các chương trình ứng dụng như TikTok và Wechat.

Trước đó, ngay từ hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố sáng kiến “Đường dẫn sạch” (Clean Path), đường truyền thông tin điểm đối điểm qua mạng không sử dụng dịch vụ truyền dẫn, kiểm soát, thuật toán và thiết bị lưu trữ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật tuyền thông “không tin cậy” như Huawei và Tập đoàn Trung Hưng (ZTE - một tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.

Sau Huawei, hàng loạt ông lớn công nghệ của Trung Quốc trở thành mục tiêu của Mỹ

Còn phương án Mike Pompeo công bố hôm 6/8/2020 đã mở rộng phạm vi sáng kiến “Đường dẫn sạch” sang chương trình ứng dụng trên điện thoại thông minh và dịch vụ điện toán đám mây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hơn 30 nước đã trở thành “Quốc gia sạch”, nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn trên thế giới cũng trở thành “Doanh nghiệp viễn thông sạch”, kêu gọi các nước đồng minh của Mỹ tham gia chương trình này, chống lại sự theo dõi của Trung Quốc, bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân.

Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 6/8 mỉa mai rằng Mỹ vốn không sạch sẽ, nhưng lại hô hào cái gọi là “Mạng sạch”. Ông Uông Văn Bân chỉ trích cách làm của Mỹ không có căn cứ, là hành vi cố tình bôi nhọ Trung Quốc và không khác gì “trò hề” chính trị. Người phát ngôn này cũng phê phán Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lạm dụng sức mạnh quốc gia để chèn ép các doanh nghiệp khoa học công nghệ của Trung Quốc.

Nỗi lo sợ của người Mỹ

Trên thực tế, cuộc chiến công nghệ mà chính quyền Mỹ nhằm vào Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối từ chính người Mỹ. Thẩm phán tòa án liên bang tại thủ đô Washington, ông Carl Nichols ngày 28/9 cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể phạm luật khi ban hành lệnh cấm tải ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc.

Thẩm phán Nichols nhấn mạnh các lệnh cấm đối với ứng dụng TikTok “có thể vượt quá giới hạn hợp pháp” của Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp quốc tế (IEEPA), vốn được viện dẫn để biện minh cho lệnh cấm này.

Thẩm phán Mỹ cảnh báo Tổng thống Trump có thể đã phạm luật

Trước đó, Thẩm phán Nichols đã tạm thời chặn lệnh cấm của Chính quyền Mỹ liên quan đến ứng dụng Tiktok, ngay trước thời điểm quy này có hiệu lực vào lúc 23h59 ngày 27/9 (theo giờ địa phương). Theo lệnh cấm, Apple và Google sẽ phải gỡ bỏ TikTok khỏi kho ứng dụng trực tuyến tại Mỹ.

TikTok đã hoan nghênh phán quyết sơ bộ ctrên. Trong một tuyên bố, TikTok bày tỏ vui mừng khi thẩm phán Carl Nichols đã nhất trí với các lập luận pháp lý của nền tảng này, đồng thời ra phán quyết ngăn chặn việc Apple và Google phải gỡ bỏ ứng dụng TikTok khỏi kho ứng dụng trực tuyến tại Mỹ. Bên cạnh đó, TikTok cũng cho biết sẽ phải duy trì các cuộc đối thoại với Chính phủ Mỹ về thỏa thuận tiềm năng với Oracle và Walmart.

Trước đó, công ty "mẹ" ByteDance (Trung Quốc) của TikTok đã đệ đơn xin tạm dừng lệnh cấm trên, được ban hành theo sắc lệnh của Tổng thống Trump hồi tháng trước nhắm vào nền tảng video của ByteDance, cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat. Lệnh cấm đã bị Bộ Thương mại Mỹ trì hoãn một tuần sau khi các bên nhất trí hướng tới một thỏa thuận tái cơ cấu theo yêu cầu của ông Trump, khi trước đó Tổng thống Mỹ quan ngại rằng ứng dụng Tik Tok sẽ gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ.

Mở rộng đối đầu với Trung Quốc, Mỹ bộc lộ nỗi lo sợ mất vị thế độc tôn?

Thỏa thuận tái cơ cấu quyền sở hữu ứng dụng TikTok hiện đang gây nhiều tranh cãi khi các bên liên quan đưa ra những thông tin trái ngược nhau. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi thỏa thuận cho phép tập đoàn ByteDance giữ lại các quyền kiểm soát đối với ứng dụng này.

Elsa Kania, một học giả tại Trung tâm nghiên cứu An ninh mới của Mỹ chuyên về lĩnh vực công nghệ và quan hệ Mỹ-Trung, cho rằng việc có thêm thời gian để đàm phán thỏa thuận với Oracle “có thể hiệu quả nếu cho phép một giải pháp mạnh mẽ hơn". Tuy nhiên, những lý do thay đổi liên tục cùng cách tiếp cận không có kế hoạch của Mỹ được cho là đã tạo ra một tiền lệ xấu. Bà cũng chỉ trích việc áp dụng ngay lập tức lệnh cấm đối với WeChat “bởi đây là một phương tiện liên lạc và tương tác giữa quan trọng các người dùng cá nhân với Trung Quốc”.

Trong khi đó, giới phân tích Mỹ cũng chỉ ra điều lo lắng thực sự đằng sau các động thái tấn công công nghệ của nước này nhằm vào Trung Quốc. Nhà phân tích chính trị Mỹ Caleb Maupin cho rằng Mỹ đang cố gắng duy trì độc quyền của các mạng xã hội lớn của Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Các công ty Mỹ đang chi phối các mạng xã hội và họ lo sợ về sự chuyển đổi không thể tránh khỏi sang mô hình đa cực. TikTok khiến cho họ lo ngại rằng mạng xã hội sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Phố Wall và London”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-pham-luat-trong-cuoc-dau-cong-nghe-3419779/