Mỹ phẩm giả, nhập lậu ở TP. HCM: Đâu cũng có

Tại thị trường TP.HCM, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu được bày bán công khai ở khắp mọi nơi, có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người tiêu dùng và là thách thức đối với các lực lượng chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn.

Mỹ phẩm giả được bán công khai tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.

Tràn lan

Tại một hội thảo về hàng giả tổ chức gần đây tại TP.HCM, đại diện thương hiệu Loreal của Pháp khẳng định có tới 75% sản phẩm mỹ phẩm của thương hiệu này đang bán trên thị trường là hàng lậu, hàng giả. Các sản phẩm này được bán tập trung tại các chợ và các cửa hàng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bán tại các chợ là hàng giả và hàng nhập lậu.

Theo ghi nhận của phóng viên, mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới được bán phổ biến tại các chợ với giá rẻ hơn hàng chục lần so với hàng chính hãng. Điển hình là tại các chợ Gò Vấp, Kim Biên, một số sạp hàng bán các loại nước hoa giả nhãn hiệu Gucci, Chanel, Bvlgari... với giá từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng/lọ loại từ 250-300ml, trong khi các loại nước hoa này được bán tại các cửa hàng phân phối hàng chính hãng đều có giá hàng triệu đồng. Các loại phấn trang điểm, phấn má hồng giả nhãn hiệu Mac, Shiseido, Lancôme, Chanel cũng được bán với giá chỉ vài chục ngàn/hộp; son đủ màu, đủ nhãn hiệu được bán với giá 20.000 đồng đến 50.000 đồng/cây.

Tại một cửa hàng nằm trong khu vực bán mỹ phẩm của chợ Bình Tây, tôi được mời mua một lốc son 24 cây với giá 265.000 đồng. Một loại khác được giới thiệu là hàng cao cấp của Hàn Quốc được bán với giá 525.000 đồng/hộp 12 cây. Tại chợ Thanh Đa, một hộp kem chống nắng Sunblock nhãn hiệu Stives của Mỹ được bán với giá 90.000 đồng/hộp, nhưng cùng sản phẩm như trên tại chợ Bà Chiểu lại được bán với giá chỉ có 50.000 đồng, vì theo tiểu thương tại chợ bà Chiểu đây là hàng giả nhãn hiệu của Mỹ do Trung Quốc sản xuất. Tại chợ Thanh Đa, Nhật Tảo, Gò Vấp, định kì cứ cách khoảng 2-3 ngày lại có người đem đủ loại mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước đến bán đổ đống ngay trên lề đường với giá đồng giá 38.000 đồng/sản phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, các sản phẩm được bán tại đây có đủ loại, gồm: son, phấn, kem chống nắng, kem dưỡng da, kem tắm trắng, mặt nạ, nước hoa, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem trị nám, tàn nhang, trong đó nhiều nhất là các nhãn hiệu Loreal, Chanel, Vichy, Pond, Avene, the face shop, Dior, Kenzo, Versace, Calvin Klein... và nhiều nhãn hiệu do DN trong nước sản xuất. Hầu hết sản phẩm không có bao bì hoặc đã bị móp, méo, sờn, rách, trầy xước, nhưng quan sát kĩ thì thấy trên bao bì màu sắc, nhãn hiệu, các thông tin về sản phẩm, hạn sử dụng, thậm chí là mã vạch vẫn được in đầy đủ giống hệt hàng chính hãng.

Theo quảng cáo của nhân viên bán hàng, đây là các sản phẩm của Công ty Shiseido Hàn Quốc nhập về do bị biến dạng về bao bì trong quá trình vận chuyển không thể đưa vào siêu thị bán nên đưa ra bán bên ngoài (?!). Cũng theo nhân viên này, Công ty phân phối các sản phẩm này có 4 người được phân công nhau luân phiên chạy quanh các chợ tại TP.HCM để bán, thường mỗi chợ sẽ có một nhân viên được bố trí chỗ đến bán trong từ 2 đến 3 ngày trong tuần.

Tại một hội thảo về hàng giả tổ chức gần đây tại TP.HCM, đại diện thương hiệu Loreal của Pháp khẳng định có tới 75% sản phẩm mỹ phẩm của thương hiệu này đang bán trên thị trường là hàng lậu, hàng giả. Các sản phẩm này được bán tập trung tại các chợ và các cửa hàng mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, 100% các sản phẩm nước hoa và sáp vuốt tóc bán tại các chợ là hàng giả và hàng nhập lậu. Ngoài hai mặt hàng nêu trên, rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác cũng bị làm giả, điển hình như maccara bộ sản phẩm trang điểm mắt, bộ sản phẩm chăm sóc da, sáp vuốt tóc nam, thuốc nhuộm tóc, son, phấn mắt... Tại các địa phương khác, mỹ phẩm giả, nhập lậu được bán trong các chợ trung tâm. Mỹ phẩm giả tại các chợ được bán với giá từ 20.000 đồng đến 120.000 đồng và tại các cửa hàng mỹ phẩm được bán với giá từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng.

Đại diện Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn- một DN mỹ phẩm lớn của Việt Nam cũng cho biết, các sản phẩm chiếm thị phần cao ngoài thị trường của DN này cũng bị làm giả. Điển hình là hai dòng sản phẩm về nước hoa Cindy và nước hoa Miss Saigon. Theo thông tin từ Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn, các sản phẩm của Công ty bị làm giả với số lượng khá lớn. Cuối năm 2017, Chi cục Quản lí thị trường (QLTT) TP. HCM đã phát hiện và bắt giữ một số lượng khá lớn nước hoa giả nhãn hiệu Cindy của Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn. Tại thị trường Đà Nẵng, sản phẩm nước hoa Miss Saigon của Công ty cũng bị làm giả khá nhiều để bán cho khách du lịch, thậm chí một cửa hàng thuê lại mặt bằng trong siêu thị Lotte để bán nước hoa giả nhãn hiệu Miss Saigon.

Theo thông tin từ các DN, công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi, người tiêu dùng khó mà phân biệt được. Tốc độ làm hàng giả cũng rất nhanh. Ông Bùi Quang Lộc, Giám đốc Kế hoạch và Chiến lược Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết, trong năm 2017, công ty đã đầu tư một số tiền khá lớn để thay đổi về bao bì thiết kế và sử dụng phôi tem chống giả công nghệ cao NK từ Đức để chống hàng giả. Với sự thay đổi này, doanh thu của Công ty ghi nhận tăng gấp đôi so với cùng kì. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, theo thông tin công ty nắm được đã có nước hoa giả nhãn hiệu Cindy, Miss Saigon có luôn tem chống giả được đóng container chuyển về Việt Nam để chuẩn bị tung ra thị trường.

Mỹ phẩm nhập lậu “đội lốt” hàng xách tay

Tâm lý sính ngoại của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho mỹ phẩm xách tay phát triển. Riêng tại TP.HCM, đã hơn 10 điểm bán mỹ phẩm xách tay nổi tiếng được giới thiệu công khai trên mạng. Điển hình là Sammi Shop HCM, Nuty Cosmetics Bici Cosmetic; mỹ phẩm Hàn Quốc HCM; Beauty Koala… Hầu hết các tên tuổi này đều có một hệ thống bán hàng gồm nhiều cửa hàng mỹ phẩm được đầu tư khá bài bản và chuyên nghiệp tại các quận trung tâm của thành phố. Tại các chợ, hầu hết các cửa hàng mỹ phẩm đều có bán hàng xách tay với đủ nhãn hiệu đủ mức giá cả từ bình dân đến cao cấp. Bên cạnh các điểm bán hàng xách tay trực tiếp trên địa bàn thành phố, người tiêu dùng còn có thể dễ dàng tìm mua đủ loại sản phẩm mỹ phẩm của các thương hiệu từ các điểm bán online dày đặc trên mạng. Chỉ cần gõ cụm từ “mỹ phẩm xách tay” trong tìm kiếm google cho tới 25.600.000 kết quả chỉ trong 0,85 giây (ngày 18/6/2018) với đủ loại mỹ phẩm xách tay của Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Úc, Đức, Nhật...

Theo ghi nhận của phóng viên, một điểm dễ nhận biết của các sản phẩm mỹ phẩm xách tay là sản phẩm phần lớn không có nhãn phụ tiếng Việt và giá thường rẻ hơn so với hàng chính hãng từ 20-50%. Còn theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, hàng xách tay phần lớn là hàng nhập lậu và hàng giả vì các mặt hàng này không chỉ không có nhãn phụ tiếng Việt mà còn không công bố mỹ phẩm, không ủy quyền sử dụng thương hiệu. Đối với các sản phẩm này, phần lớn thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm rất khó kiểm chứng và phần lớn người mua cũng chỉ biết tin vào người bán. Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại công ty TNHH L’OREAL Việt Nam: “Nhiều sản phẩm mỹ phẩm được dán mác hàng xách tay trên thực tế là hàng giả và hàng nhập lậu chứ xách tay kiểu gì khi trong vòng một tuần có thể cung cấp hàng ngàn cây mascara" Đáng chú ý là nhiều sản phẩm mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã được bán tại nhiều chuỗi cửa hàng của Việt Nam trong đó có cả những chuỗi cửa hàng danh tiếng”.

Một chuyên gia của Bộ Y tế cũng cho biết, theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc NK mỹ phẩm phải làm thủ tục NK tại cơ quan Hải quan theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa được miễn thuế NK và không phải thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm NK trong định mức 1 triệu đồng. Các mẫu mỹ phẩm NK dưới các hình thức này đều không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, các mặt hàng mỹ phẩm phục vụ cho các đoàn ngoại giao, nhân viên đại sứ quán, thì cũng phải có các văn bản xác nhận chỉ dành riêng cho các nhân viên ngoại giao, đại sứ quán và cũng không được phép bán ra ngoài. Trong các văn bản quy định của Nhà nước không bao giờ có thuật ngữ "hàng xách tay". Do vậy, mỹ phẩm xách tay chính là mầm mống, là đầu mối của các hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả.

Theo Chi cục QLTT TP.HCM, dù đơn vị đã tăng cường các biện pháp quản lý địa bàn kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm nhưng tình hình tàng trữ và kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu vẫn khá phổ biến. Trong thời gian gần đây, lực lượng QLTT đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm có trị giá lớn. Điển hình, ngày 19/3, qua kiểm tra đối với cửa hàng An San, trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, Đội QLTT 2A tạm giữ 151 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại, chưa qua sử dụng, xuất xứ Hàn Quốc, không có hóa đơn chứng từ. Ngày 30/3/2018, Đội QLTT 1A kiểm tra Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 31/7 đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình cũng đã phát hiện và tạm giữ 850 đơn vị sản phẩm nước tẩy trang, son môi, kem lót không rõ nguồn gốc. Trước đó vào cuối năm 2017, Chi cục QLTT TP.HCM đã tiến hành tiêu hủy lượng một lô hàng mỹ phẩm trị giá hơn 20 tỉ đồng gồm hàng ngàn mặt hàng mỹ phẩm như dầu gội, lăn khử mùi, sữa tắm, bột kem, xà bông, thuốc nhuộm tóc, xịt khử mùi... Tất cả sản phẩm đều không có hóa đơn chứng từ...

(Còn nữa)

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/my-pham-gia-nhap-lau-o-tp-hcm-dau-cung-co.aspx