Mỹ phẩm giả, chế tài thật vẫn rất khó bảo vệ người tiêu dùng

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm, hàng nghìn các loại sản phẩm hóa mỹ phẩm khác nhau khiến người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả. Nhiều gian thương đã sử dụng các chiêu trò như trộn lẫn hàng thật và hàng giả, giả mạo bao bì, giấy tờ, xuất xứ để qua mặt người tiêu dùng và các lực lượng chức năng. Mặc dù đã có nhiều chế tài để xử phạt, nhưng đa số người dân đều e ngại liệu các biện pháp xử phạt này đã đủ tính 'răn đe'?

Tràn lan sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Thời gian qua, các Đội quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã liên tiếp phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, ngày 3-6-2021, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế) đã kiểm tra một ô tô tải chở hàng và phát hiện 32 loại hàng hóa với 875 sản phẩm gồm sữa ngoại nhập, mỹ phẫm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất.

Ngày 9-6, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Quảng Ninh) tổ chức kiểm tra một hộ kinh doanh online và phát hiện số lượng lớn 9 chủng loại mỹ phẩm sơn móng tay

Ngày 11-6, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 2.255 sản phẩm các loại gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kem dưỡng da; sửa rửa mặt; đèn led; nước hoa Chanel, Boss, Levis và tem thẻ giấy nhãn Gucci tại cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH thương mại vận tải ALT có địa chỉ kinh doanh tại số 463 đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội do bà Nguyễn Thị Kim Liên làm giám đốc.

Nhiều sản phẩm nước hoa của các hãng cao cấp bị lực lượng chức năng kiểm tra nhưng chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ

Nhiều sản phẩm nước hoa của các hãng cao cấp bị lực lượng chức năng kiểm tra nhưng chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ

Cùng ngày, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Bình Thuận) đã kiểm tra và phát hiện 19.000 sản phẩm các loại bao gồm mỹ phẩm, đồ dùng gia đình do nước ngoài sản xuất.

Ngày 15-6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Ninh Bình) phát hiện và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm hóa mỹ phẩm đang lưu thông trên đường hướng từ Hà Nội vào TP HCM.

Điều đáng nói, các chủ cơ sở sở hữu những lô hàng bị kiểm tra này đều không thể xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Một số lô hàng còn có dấu hiệu giả mạo khi được Đội QLTT mang so sánh với các sản phẩm đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Mức phạt đủ sức "răn đe"?

Ngày 26-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” được xác định là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên:

- Nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa;

- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan;

- Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc xử phạt này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe khi đem so sánh với lợi nhuận “khủng” thu được từ việc buôn bán các mặt hàng này.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua hàng

Công nghệ phát triển ngày càng hiện đại, kéo theo việc các công nghệ làm giả cũng ngày càng tinh vi. Với việc chế tài xử phạt còn nhẹ, có lẽ chưa đủ sức “răn đe” thì những gian thương cũng sẽ bất chấp để buôn bán hàng giả. Vậy người tiêu dùng cũng cần thật tỉnh táo khi mua chọn mua hàng.

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng "đau đầu"

Theo đó, trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên tìm hiểu thật kỹ sản phẩm mình muốn mua, có thể liên hệ đại lý và một số nhà phân phối chính hãng (nếu có) tại Việt Nam để giúp phân biệt giữa hàng thật và hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đấy, tìm và lựa chọn các cửa hàng lớn, trung tâm thương mại,... để giao dịch cũng là một lựa chọn đúng.

Không nên tin vào những chiêu trò đánh vào “lòng tham” như “giảm giá kịch sàn”, chuyển đổi kinh doanh nên “xả kho”,... Nếu tìm hiểu kỹ, ta có thể thấy rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm ngoại được chào bán tại Việt Nam sau khi đã trừ đi thuế, phí, công vận chuyển mà còn “rẻ” hơn trong cửa hàng tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng cũng nên liên hệ, báo ngay với các cơ quan lực lượng chức năng để kịp thời xử lý.

Vân Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/my-pham-gia-che-tai-that-van-rat-kho-bao-ve-nguoi-tieu-dung-244282.html