Mỹ phẩm ế ẩm khi phụ nữ không còn nhu cầu trang điểm

Nhiều cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm ở xứ kim chi phải đóng cửa vì nhu cầu làm đẹp của phụ nữ giảm mạnh và không còn khách hàng quốc tế.

Kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng tại Hàn Quốc, nhiều cửa hàng bán lẻ thuộc các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng gặp nhiều khó khăn để duy trì kinh doanh.

Myeong-dong, con phố mua sắm sầm uất nhất nhì thủ đô Seoul, nay vắng bóng người qua lại. Không còn du khách nước ngoài và khách hàng nội địa không quá hào hứng, các cửa hàng mỹ phẩm buộc phải gắng gượng, tìm cách trả tiền thuê mặt bằng.

"Từ tháng 3/2020, chúng tôi phải đóng cửa hầu hết chi nhánh ở Myeong-dong vì kinh doanh thua lỗ", đại diện công ty Nature Republic - thương hiệu làm đẹp từng "làm mưa làm gió" trên đường phố Myeong-dong - nói với Korea Herald.

 Các cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm ở Hàn Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Các cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm ở Hàn Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Hiện tại, phía công ty đang trong quá trình tạm dừng hoạt động một số cửa hàng để giảm thiệt hại và tập trung vào các cơ sở bán lẻ trọng yếu. Dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Công bằng cho thấy số lượng chi nhánh thuộc Nature Republic năm 2019 là 521 cửa hàng, giảm 180 địa điểm so với 2 năm trước.

Các công ty mạnh về bán lẻ như Skin Food, Tony Moly... và một số nhãn hàng cao cấp hơn cũng đối mặt với số phận tương tự.

Amorepacific - công ty sở hữu hơn 30 thương hiệu đình đám như Sulwhasoo, Laneige... - buộc phải đóng cửa hơn 661 cửa hàng từ cuối năm 2018 đến tháng 8/2020. Ngoài ra, hãng Innisfree, Aritaum và Etude cũng lần lượt tạm dừng hoạt động 204, 306 và 151 chi nhánh.

"Số lượng cửa hàng bán lẻ của chúng tôi đang giảm dần vì sự thay đổi xu hướng mua sắm. Song, đại dịch khiến quá trình này xảy ra nhanh hơn, nặng nề hơn", đại diện Amorepacific chia sẻ với Korea Herald.

Do đeo khẩu trang thường xuyên, phụ nữ Hàn Quốc không còn trang điểm cầu kỳ, nhu cầu sử dụng sản phẩm làm đẹp cũng giảm mạnh. Ảnh: New York Times.

Park Jong-dae, chuyên gia phân tích tại Hana Financial Investment, cho biết một nguyên nhân khiến ngành công nghiệp mỹ phẩm lao đao là sự xuất hiện của khẩu trang. Do quy định đeo khẩu trang mùa dịch, nhiều phụ nữ xứ củ sâm không trang điểm cầu kỳ như trước.

"Khi việc che mặt lúc ra đường trở thành quy định, nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp cũng giảm xuống. Điều này gây tổn hại tới nhiều công ty như Clio Cosmetics và AK Industries - thương hiệu vốn duy trì dựa vào các cửa hàng bán lẻ và miễn thuế", ông Park nhận định.

Để bù đắp cho doanh số bán hàng trực tiếp, hầu hết nhãn hàng đã chuyển sang các kênh thương mại điện tử.

Đầu năm 2020, Able C&C - công ty đứng sau thương hiệu mỹ phẩm Missha - tung ra ứng dụng mua sắm trực tuyến và đạt hơn 1 triệu lượt tải xuống. Ngoài ra, các sản phẩm của Missha cũng xuất hiện trên nhiều nền tảng mua sắm online như Auction và Coupang.

Trái lại, các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp vẫn duy trì doanh thu ổn định ngay cả trong mùa dịch. Theo dữ liệu từ SSG.com - nền tảng thương mại điện tử do "gã khổng lồ bán lẻ" Shinsegae điều hành, doanh thu các nhãn hàng như MAC Cosmetics và NARS Cosmetics tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái

"Người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả tiền cho những món hàng xa xỉ để được thỏa mãn nhu cầu mua sắm", một đại diện từ LG Household & Health Care tiết lộ.

Trang Minh (Theo Korea Herald)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-pham-e-am-khi-phu-nu-khong-con-nhu-cau-trang-diem-post1176788.html