Mỹ phải trả giá đắt như thế nào nếu tấn công quân sự vào Syria?

Trong khi Mỹ đe dọa tấn công quân sự Syria liên quan cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học thì Nga tuyên bố đáp trả mạnh tay nếu Mỹ thực hiện động thái này.

Nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học tại thành phố Douma, Đông Ghouta của Syria một lần nữa làm dấy lên sự quan ngại của cộng đồng quốc tế. Trong khi Mỹ cảnh báo sẽ có hành động quân sự đối với Syria thì Nga và chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad cho rằng thông tin về cuộc tấn công chỉ là giả tạo. Phía Nga đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả động thái của Mỹ.

Bức ảnh được CNN đăng với chú thích: “Những đứa trẻ đang được chăm sóc y tế sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma”. Nguồn ảnh: Anadolu Agency/Getty Images.

Bức ảnh được CNN đăng với chú thích: “Những đứa trẻ đang được chăm sóc y tế sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma”. Nguồn ảnh: Anadolu Agency/Getty Images.

Mỹ đe dọa tấn công quân sự

Nghi án về cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta diễn ra vừa tròn 1 năm sau khi quân đội Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Syria để đáp trả cho cái mà họ gọi là vụ tấn công hóa học ở Khan Shaykhun ngày 7/4/2017.

Điều này khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi, liệu một quyết định tương tự có được đưa ra với cáo buộc tấn công vũ khí hóa học tại Đông Ghouta, điều mà cả Nga và chính phủ Syria đã bác bỏ và coi là cái cớ mà Mỹ và phương Tây đưa ra nhằm lật đổ Tổng thống Assad.

Phát biểu trước cuộc gặp Quốc vương Qatar hôm 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, ông không loại trừ "bất kỳ khả năng nào" về sự trả đũa của Mỹ sau nghi án tấn công hóa học ở Syria.

"Điều đầu tiên chúng tôi phải xem xét là vì sao vũ khí hóa học vẫn được sử dụng trong khi Nga là người bảo lãnh thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác, từ NATO đến Qatar và nhiều nơi khác, để xem xét vấn đề này", ông James Mattis nói.

Khi trả lời liệu Mỹ có không kích vào các cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay không, Mattis nói rằng ông "không loại trừ bất cứ khả năng nào".

Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một số quan chức Mỹ cho biết, Mỹ đang cân nhắc đáp trả bằng biện pháp quân sự đa quốc gia đối với vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Cũng theo nguồn tin này, các chuyên gia quân sự đã liệt kê một số căn cứ chủ chốt của chính phủ Syria vốn được coi là các mục tiêu tấn công tiềm năng.

Theo các chuyên gia, cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh nếu diễn ra sẽ tập trung vào các căn cứ liên quan đến các vụ tấn công nghi sử dụng chất độc hóa học trước đó tại Syria. Trong đó có căn cứ không quân Dumayr hoặc căn cứ Humaymim của chính phủ Syria ở tây bắc Syria.

Tìm kiếm đồng minh

Pháp, Anh và nhiều đồng minh của Mỹ tại Trung Đông sẽ được coi là những đối tác tiềm năng trong các hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria nếu diễn ra. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo Pháp sẽ tấn công Syria nếu nước này phá vỡ các hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hóa học.

Hiện Pháp có hơn 10 máy bay chiến đấu tại Trung Đông và có thể xem xét tấn công từ trên biển. Còn Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce khẳng định, Anh mong muốn có 1 cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện về cuộc tấn công nghi sử dụng chất độc hóa học. Tuy nhiên London cũng đưa ra mọi biện pháp can thiệp khi cần, phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Pháp.

Nhà phân tích chính trị Lebanon, ông Jana Nakah nhận định: “Các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã được sử dụng nhiều lần bởi các nhóm phiến quân và nhóm vũ trang đối lập tại Syria để tạo cớ hợp lý cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Những thông tin xuất hiện trên truyền thông, hoặc từ chính phủ phương Tây chứng minh rằng họ đang đáp lại lời kêu gọi này”.

Hậu quả khôn lường

Các nhà quan sát cho rằng, nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của quân đội Syria vào lúc này thì sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2017. Trước hết là bởi thế và lực của chính quyền Tổng thống Syria Al Assad hiện giờ đã khác trước.

Thời điểm hiện tại, khủng bố IS đã bị đánh bại và quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát được nhiều tỉnh thành lớn như Aleppo, Albukamal, Hama. Không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động, mà sức mạnh của quân đội của ông Assad cũng được củng cố nhờ những loại vũ khí tối tân được Nga chuyển giao như tiêm kích tàng hình Su-57, xe tăng “Kẻ hủy diệt”, các loại súng trường, pháo hạng nặng. Điều này khiến máy bay chiến đấu của Mỹ có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn khi thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp đến, Mỹ sẽ vấp phải sự đáp trả mạnh tay từ phía Nga. Bộ Ngoại giao Nga hôm 9/4 cảnh báo, Mỹ sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu can thiệp quân sự ở Syria, liên quan đến vụ tấn công hóa học mới đây ở quốc gia Trung Đông này. Phía Nga cũng tuyên bố không chỉ ủng hộ Tổng thống Assad chống lại một cuộc tấn công tương tự, mà còn trả đũa các lợi ích Mỹ trong khu vực.

Trong một diễn biến mới nhất, hãng tin Al-Masdar đưa tin, Bộ Tổng tham mưu Nga vừa ra lệnh cho các đơn vị phòng không Nga tại Syria túc trực chiến đấu, sẵn sàng đánh bại mọi đòn tập kích nếu có.

Chuyên gia Jennifer Cafarella, thuộc Viện nghiên cứu chiến tranh tại Washington cho rằng, Mỹ cần phải suy xét kỹ lưỡng cách thức mà chính quyền Tổng thống Assad, Nga hoặc Iran đáp trả các lực lượng của Mỹ đang triển khai tại Syria. Theo nhà phân tích này, chính phủ Syria có thể đã có phương án hành động chống lại cuộc tấn công tiềm năng của Mỹ khi hệ thống phòng không Syria đã bắn hạ 5 trên tổng số 8 tên lửa bị nghi của Israel nhằm vào căn cứ quân sự nước này hôm 9/4./.

Hồng Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/my-phai-tra-gia-dat-nhu-the-nao-neu-tan-cong-quan-su-vao-syria-749315.vov