Mỹ phả hơi nóng, ép Nhật, Hàn điều quân vây hãm Iran

Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc triển khai lực lượng hội quân với liên minh 'bảo vệ an ninh hàng hải' của mình ở eo Hormuz.

Một hệ lụy mới của sự kiện Mỹ, Anh tố cáo các xuồng cao tốc có vũ trang của Iran bao vây tàu chở dầu của Anh hôm 10/7 đã xuất hiện: eo biển Hormuz sắp chứng kiến một cuộc gia tăng hiện diện quân sự ồ ạt.

Đầu tiên, Anh xác nhận điều tàu chiến thứ hai đến eo biển này. Ngày 12/7, London xác nhận khu trục hạm HMS Duncan hiện đại đang trên đường đến eo Hormuz làm nhiệm vụ bảo vệ tàu thương mại. Trước đó, Anh chỉ duy trì tàu HMS Montrose.

Tiếp đến, theo tờ The Dong-A Ilbo của Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford tuyên bố Lầu Năm Góc và Washington đã gửi lời đề nghị đến các đồng minh châu Á, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc để cùng gia tăng hiện diện quân sự ở eo Hormuz.

Tướng Dunford nhấn mạnh Washington sẽ không để thời gian xem xét của hai quốc gia này quá dài. "Đối phương không cho chúng ta thời gian để chờ đợi, cần phải quyết định. Tự do hàng hải đang bị đe dọa và chính các nước châu Á ấy bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là lúc chúng ta và bạn bè phải sát cánh".

Tàu HMS Duncan của Anh đang tiến tới eo Hormuz

Tàu HMS Duncan của Anh đang tiến tới eo Hormuz

Đồng thời, Washington cũng gửi đi yêu cầu đến các đồng minh NATO về việc gửi tàu chiến và máy bay các loại đến eo Hormuz để bảo vệ quyền tự do trên biển trước "mối đe dọa Iran".

Như vậy, liên tiếp các sự kiện tấn công ở eo biển Hormuz đã diễn ra và lập tức được gắn mác cho kẻ phản diện Iran. Cho đến thời điểm này, những lời thúc giục rõ ràng nhất đã được phát đi, và đồng minh của Mỹ sẽ khó có lựa chọn nào khác ngoài hưởng ứng.

Với NATO, các nước Đức, Pháp có thể tôn trọng thỏa thuận JCPOA mà không điều quân đi. Nhưng các đồng minh còn lại trong NATO sẽ rất khó ứng xử. Gần nhất, Ba Lan, Na Uy đã phải đặt chế độ "đang cân nhắc tình hình" trước lời mời của Washington. Mỹ tiếp tục khiến nội bộ châu Âu vốn đã có nhiều rạn nứt tiếp tục chia rẽ thêm.

Tiếp đến, Hàn Quốc, Nhật Bản là hai đồng minh lớn của Mỹ ở châu Á, nhưng ngược lại, họ cũng là bạn hàng quan trọng của Iran trong lĩnh vực năng lượng. Đến thời điểm hiện tại, dù hai nước này tuyên bố không nhập năng lượng của Iran, tuy nhiên cả Tokyo và Seoul đều đang thúc tiến các cuộc đàm phán với Washington để giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nhằm cho phép họ được mua dầu tiếp tục.

Lý do mà Mỹ đưa ra cho liên minh mới rất khó từ chối: hiện diện để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải chứ không phải tham gia vào một liên minh chiến tranh. Công việc của các tàu chiến chỉ là đi tuần quanh eo biển, can thiệp vào những sự vụ có nguy cơ xảy ra...

Trên boong một chiến hạm Mỹ ở eo Hormuz

Tuy nhiên, khi đã điều lực lượng của mình tham gia vào liên minh này, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục mua dầu của Iran. Một cách ép uổng đồng minh cao tay của Washington và gia tăng sức ép nghẹt thở với Tehran.

Cuối cùng, khi tập trung được lực lượng đồng minh cần thiết, Mỹ không cần ra mặt. Thay vào đó, những đồng minh này tự làm nhiệm vụ diễu hành, tuần tra, thị uy sức mạnh. Cuối tháng 6, trên tờ Nhật báo phố Wall cũng đã có tin cho biết, Washington sẽ nhường quyền chỉ huy liên minh "an ninh biển" này cho một quốc gia đồng minh.

Như vậy, Mỹ không lo khoản chi phí hoạt động hàng ngày của các tàu trên vịnh Ba Tư - eo Hormuz, nhưng vẫn có thể kiểm soát được lượng dầu xuất đi của Iran, cũng như đảm bảo sức ép được gia tăng đều đặn vào quốc gia này.

Từ đó để thấy, nếu liên minh quân sự mới này được thành lập với đầy đủ bộ sâu: đồng minh vùng Vịnh, đồng minh NATO, và đồng minh châu Á... Mỹ đã có một liên minh toàn cầu để chống lại Iran. Liên minh mới ấy đang tạo ra một viễn cảnh rất đen tối, phả hơi nóng vào gáy quốc gia Hồi giáo này.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-pha-hoi-nong-ep-nhat-han-dieu-quan-vay-ham-iran-3383685/