Mỹ ỡm ờ lập trường Libya, GNA lâm vào hiểm cảnh

Quân chính phủ Libya tiến hành một đơn phản công quy mô lớn trong bối cảnh không nhận được các sự trợ giúp cần thiết.

Ngày 20/4, các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận đã tiến hành một đợt phản công lớn chống lại lực lượng Quân đội Libya tự xưng (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.

Một chỉ huy của chiến dịch phản công này cho biết: "Chúng tôi đã có đủ lực lượng và tiến hành một đợt tấn công mới. Sáng sớm nay, lệnh tấn công đã phát đi và giành các thắng lợi đầu tiên trên chiến trường phía Nam Tripoli".

Tuy nhiên hiện tại, đòn phản công lần này của GNA vẫn chưa có thể phá thế nguy hiểm cho toàn bộ thủ đô Tripoli. LNA vẫn đang tiến hành các đợt tấn công quy mô lớn và dồn ép các mặt từ phía Đông và Nam thành phố.

Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình leo thang bạo lực ở Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã đề nghị người dân nước này kêu gọi thân nhân của mình rời Tripoli ngay lập tức.

Chiến sự đang diễn ra ác liệt ở ngoại ô Tripoli

Chiến sự đang diễn ra ác liệt ở ngoại ô Tripoli

Theo bà Swaraj, hiện có khoảng hơn 500 công dân Ấn Độ đang mắc kẹt ở Tripoli và nếu những người này không rời đi ngay lập tức, họ có thể sẽ không thể sơ tán được sau đó bởi tình hình đang xấu đi trầm trọng.

Những thông điệp mà Ngoại trưởng Ấn Độ gửi đi là lời khẳng định rõ ràng nhất cho việc tình hình Libya đang xấu đi từng ngày và không biết GNA có thể cầm cự được Tripoli trong bao nhiêu ngày tới.

Trước đó, Tướng Haftar đã khẳng định khi phát động cuộc tấn công hôm 4/4 về việc bằng mọi giá phải chiếm được toàn bộ thủ đô bất chấp thương vong của binh lính và dân thường.

Tình thế của GNA lúc này được giới quan sát đánh giá là "ngàn cân treo sợi tóc". Hôm 19/4, Thủ tướng Libya, lãnh đạo của GNA, ông Fayez al-Serraj đã phát đi lời kêu cứu và đề nghị "cộng đồng quốc tế" ngay lập tức hành động để bảo vệ chính phủ hợp pháp của Libya trước nhóm "phiến quân man rợ" LNA.

Ông Serraj cũng ám chỉ Pháp - một trong những quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an LHQ, đồng minh của Mỹ, và Nga đang cùng hậu thuẫn cho Tướng Haftar. Thậm chí, ông Serraj còn cáo buộc UAV của Pháp đã không kích vào nhiều vị trí của GNA tại cứ điểm ngoại ô Tripoli.

Tuy nhiên, Pháp khẳng định họ không liên quan đến cuộc chiến này. Một thế lực khác đã từng hậu thuẫn cho GNA - nước Mỹ cũng đang tỏ ra lập lờ trong quan điểm của mình trước lời kêu cứu của Thủ tướng Serraj.

Lực lượng dân quân ủng hộ GNA trên các xe bán tải được cải tiến trang bị thêm súng máy trên đường phố Tripoli

Hôm 20/4, Anh đưa ra Dự thảo Nghị quyết về Libya tại Hội đồng Bảo an, đồng thời khẳng định kêu gọi ngừng bắn lập tức vào thời điểm này. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga lần đầu tiên có cùng một quan điểm và đều phản bác Dự thảo mà Anh đưa ra.

Nga phản đối nghị quyết do Anh soạn thảo - đang đổ lỗi cho chỉ huy phía đông Libya Khalifa Haftar về vụ bạo lực mới nhất khi lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của ông tiến tới vùng ngoại ô Tripoli hồi đầu tháng này, các nhà ngoại giao cho biết.

Trong khi đó, Mỹ cũng không đồng thuận dự thảo của Anh, nhưng không đưa ra lý do cụ thể nào. Phát ngôn duy nhất của Mỹ tại cuộc họp này là kêu gọi các bên có trách nhiệm tiến hành viện trợ nhân đạo vô điều kiện cho Libya.

Đáng chú ý, Tổng thống Trump trước đó đã có cuộc điện đàm với Tướng Haftar. Nhà Trắng chỉ xác nhận thông tin này mà không tiết lộ nội dung cuộc thảo luận cũng như quan điểm của Washington về cuộc chiến.

Khi cục diện chiến trường Tripoli ngày càng báo động, Mỹ đang im lặng một cách khó hiểu và để chính quyền mà họ từng dựng lên sau khi lật đổ Đại tá Muammar Gaddafi năm 2011 phải tự xoay sở với sự yếu thế trên chiến trường.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-om-o-lap-truong-libya-gna-lam-vao-hiem-canh-3378610/