Mỹ nói Trung Quốc đưa tên lửa đến Trường Sa, cảnh cáo hậu quả

Tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu YJ-12B đến các Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Subi (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Trường Sa.

Nhà Trắng ngày 3-5 lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả khi gia tăng quân sự ở biển Đông, sau khi có thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đến ba trong số các tiền đồn trên các đảo nước này chiếm đóng và cải tạo trái phép ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

“Chúng tôi biết rõ việc quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc. Sẽ có các hậu quả về ngắn hạn và dài hạn, và chúng tôi chắc chắn sẽ còn cập nhật” - CNN dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders, cho biết Mỹ đã nêu quan ngại với phía Trung Quốc.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White khẳng định cam kết của Mỹ với các vùng biển quốc tế. Theo bà White, Trung Quốc cần hiểu họ “không thể và không nên có thái độ thù địch, nên hiểu Thái Bình Dương là nơi một lượng lớn thương mại đi qua, Trung Quốc có quyền lợi khi đảm bảo tự do lưu thông ở các vùng biển quốc tế”.

Tình báo Mỹ cho rằng khả năng cao quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều tên lửa chống tàu và chống máy bay đến ba đảo nhân tạo trong các cuộc tập trận hồi tháng 4. Tuy nhiên, nói với CNN, một quan chức quốc phòng Mỹ không khẳng định được Trung Quốc đã rút hay vẫn duy trì số tên lửa này tại các đảo này.

Trong khi đó CNBC ngày 2-5 dẫn nguồn tình báo Mỹ rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống tàu YJ-12B có khả năng bắn trúng các tàu cách đó 295 hải lý đến các Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Subi (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Trường Sa.

Tên lửa chống tàu YJ-12B của Trung Quốc. Ảnh: GLOBAL MILITARY REVIEW

Hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy Trung Quốc đã xây một số cơ sở hạ tầng để giữ tên lửa. Nếu chính xác thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tên lửa đến Trường Sa. Năm 2016 Trung Quốc từng thông báo đã triển khai loại tên lửa YJ-12B đến đảo Phú Lâm - thuộc chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh thành viên chương trình hàng hải quốc tế tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), các tên lửa sẽ cho phép Trung Quốc tạo một “hệ thống phòng thủ nhiều lớp ở biển Đông”, với các hệ thống cảm biến và hệ thống vũ khí hỗ trợ nhau. Ông Koh so sánh hạ tầng quân sự, thiết bị và vũ khí quân sự mà Trung Quốc trang bị cho các đảo nhân tạo (sân bay, radar…) giống như các tàu sân bay “không di chuyển”. Hồi tháng 4, Wall Street Journal đưa tin các quan chức Mỹ xác nhận Trung Quốc lắp đặt hệ thống radar quân sự ở Trường Sa.

“Đây chính xác là điều chúng tôi đã dự đoán Trung Quốc sẽ làm. Tiếp theo chúng ta sẽ thấy Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu - có thể là luân phiên, rồi họ sẽ bắt đầu tập trận gần các đảo này” - theo chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ).

Tàu nạo vét cát của Trung Quốc đang cải tạo Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, năm 2015. Ảnh: US NAVY

Theo CNN, việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông báo động không chỉ các nước trong khu vực mà cả thế giới. Chính vì điều này mà hải quân Mỹ mới phải phát động chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải ở biển Đông.

“Mỹ từ lâu đã nêu quan ngại về quân sự hóa các tiền đồn ở các thực thể tranh chấp ở biển Đông. Lãnh đạo Trung Quốc đã công khai cam kết sẽ không theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Chúng tôi lo ngại Trung Quốc không hành động đúng theo cam kết này” - một quan chức ngoại giao Mỹ nói với CNN, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Tuyên bố ứng xử trên biển Đông.

Thăm Úc ngày 2-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng không để xảy ra “quyền bá chủ” ở khu vực rất quan trọng.

“Điều quan trọng là phải gìn giữ sự phát triển dựa trên luật pháp ở khu vực, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như duy trì sự cân bằng cần thiết” - theo ông Macron.

Còn nhớ trong tháng 4, ba tàu chiến Úc trên đường sang Việt Nam đã đụng độ tàu hải quân Trung Quốc khi đang di chuyển ở biển Đông. Vụ việc khiến Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull phải lên tiếng khẳng định quyền tự do lưu thông của Úc ở các vùng biển quốc tế.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/my-noi-trung-quoc-dua-ten-lua-den-truong-sa-canh-cao-hau-qua-768664.html