Mỹ nối lại thử hạt nhân để đáp lời Nga?

Để đối phó với thông tin Nga đang âm tiến hành thử hạt nhân, Mỹ cũng cân nhắc nối lại các thử nghiệm tương tự để đối trọng.

Vấn đề hạt nhân được đề cập trong một cuộc họp của các quan chức cấp cao đại diện cho những cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ hôm 22/5, sau những cáo buộc cho rằng Nga và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân nhỏ.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng việc chứng minh cho Moscow và Bắc Kinh thấy Mỹ có thể "thử nghiệm nhanh" sẽ hữu ích trong quan điểm đàm phán khi Washington muốn tìm kiếm một thỏa thuận 3 bên để điều chỉnh kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân lớn nhất.

Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ.

Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ.

Cuộc họp không kết thúc bằng bất kỳ thỏa thuận tiến hành thử nghiệm nào nhưng một quan chức cấp cao khẳng định đề xuất trên "vẫn đang được thảo luận nhằm đáp trả động thái tương tự của Nga".

Theo nhận định của giới quân sự Nga, việc Mỹ úp mở kế hoạch nối lại thử nghiệm vũ khí hủy diệt thực chất do Washington không giấu được việc mình đã âm thầm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây.

Chính vì vậy, Mỹ đã lấy lí do Nga vi phạm thỏa thuận hiệp ước để có hành động tương tự nhằm hợp thức hóa hành động sai trái của mình.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) được đàm phán vào những năm 1990 đã nhận được sự ủng hộ toàn cầu nhưng phải được 8 quốc gia công nghệ hạt nhân khác trong đó có Israel, Iran, Ai Cập và Mỹ phê chuẩn để có hiệu lực. Nga đã phê chuẩn hiệp ước năm 2000.

Điều đặc biệt trước khi Mỹ úp mở với kế hoạch của mình, phòng thí nghiệm Lawrence Livermore trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ thừa nhận, cơ quan này đã hoàn thành vụ thử hạt nhân ngầm tại bãi thử thuộc bang Nevada vào ngày 13/2/2019.

Đây là lần đầu tiên Mỹ thử nghiệm loại hình thí nghiệm này kể từ tháng 12/2017 và là lần thứ hai được triển khai dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù vậy, cơ quan này tiết lộ, đây là vụ thử nghiệm hạt nhân chưa tới hạn - một cách kích nổ đặc biệt các đầu đạn hạt nhân bằng đồng vị plutonium và uranium, nhưng không giải phóng năng lượng hạt nhân.

Trước khi Lawrence Livermore chính thức thừa nhận thử vũ khí hạt nhân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nhấn tuyên bố, có những dấu hiệu Mỹ đang nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân.

"Chúng tôi đang chú ý đến các báo cáo trên truyền thông về việc Washington cần thiết phải tiếp tục các thử nghiệm hạt nhân", bà Zakharova nói.

Sự xuất hiện của những thông tin như vậy được xem là nỗ lực chuẩn bị dư luận của Washington cho ý tưởng rằng "các vụ thử hạt nhân là một nhu cầu không thể tránh khỏi. Nếu không có điều đó an ninh quốc gia của Mỹ có thể bị đe dọa".

Đây chỉ là logic trong chính sách của Washington hướng tới việc tạo ra các điều kiện cần thiết để có thể nối lại các vụ thử hạt nhân. Bà Zakharova nhấn mạnh: "các nguyên nhân Mỹ đưa ra để từ chối phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và việc họ quyết định tăng phạm vi trong các thử nghiệm tên lửa là hoàn toàn dễ hiểu".

Bà này nhấn mạnh rằng, lập trường của Washington đã mở đường cho một của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới và có thể gây ra những hậu quả sâu rộng cho quan hệ với những cường quốc hạt nhân khác và đảo ngược lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ đối với hành động trên.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-noi-lai-thu-hat-nhan-de-dap-loi-nga-3403587/