Mỹ nỗ lực duy trì ảnh hưởng với các đảo quốc Thái Bình Dương

Mỹ đăng cai hội nghị cấp cao quy mô lớn chưa từng có ở thủ đô Washington với đại diện, lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương, trong bước đi cho thấy quyết tâm duy trì vị thế của Washington ở khu vực chiến lược này.

Lãnh đạo 12 đảo quốc Thái Bình Dương trong 2 ngày 28 và 29/9 được Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp tại thủ đô Washington cùng đại diện New Zealand và Australia, đánh dấu sự kiện có nhiều lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương nhất mà Mỹ từng đăng cai kể từ Thế chiến II, Guardian đưa tin. Tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh, hội nghị lần này phản ánh quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương, được “củng cố bởi lịch sử, giá trị chung và mối quan hệ bền vững giữa người dân” các bên. “Chúng ta sẽ thảo luận những thách thức đang phải đối mặt, trao đổi ý tưởng và quan điểm, đồng thời đề ra hướng giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với người dân”, ông Blinken nói. “Các bạn có thể tin tưởng vào sự hợp tác của Mỹ”.

Cờ các quốc đảo Thái Bình Dương tung bay tại khu vực diễn ra Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương hồi tháng 7/2022. Ảnh: GettyImages.

Cờ các quốc đảo Thái Bình Dương tung bay tại khu vực diễn ra Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương hồi tháng 7/2022. Ảnh: GettyImages.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ quả quyết, Washington luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến về những ưu tiên, kỳ vọng của các nước vì tương lai của khu vực và thế giới, đặc biệt là cách thức có thể làm việc cùng nhau để “đạt được các lợi ích chung”. Ông Blinken tiết lộ, các bên đã cơ bản nhất trí tuyên bố chung về quan hệ đối tác giữa Mỹ và Thái Bình Dương, trong đó nêu rõ “tầm nhìn chung vì tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai”. Ông nhấn mạnh, đây là sự ghi nhận rằng, chỉ có hợp tác cùng nhau, các nước mới có thể giải quyết những thách thức lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, thúc đẩy cơ hội kinh tế, duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Phía Nam và Tây Thái Bình Dương từng là khu vực chiến lược của Mỹ, nơi Washington có căn cứ quan trọng ở đảo Guam hay từng kí kết Hiệp ước Liên kết tự do với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau. Từ sau Thế chiến II, các chính quyền Mỹ đã không tập trung nhiều vào khu vực này, nhưng cách tiếp cận đó đã thay đổi khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo Guardian, tại hội nghị ở Washington, Mỹ đã cam kết một khoản tài trợ để củng cố “các nền kinh tế xanh”, qua đó góp phần bảo vệ môi trường biển với việc thúc đẩy hoạt động đánh bắt hải sản mang tính bền vững hơn. Tờ Washington Post thông tin thêm, chính quyền của Tổng thống Biden còn có kế hoạch công bố khoản đầu tư hơn 860 triệu USD hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương, con số khá lớn nếu so sánh với số tiền khoảng 1,5 tỷ USD mà Mỹ đã cung cấp trong thập kỉ qua.

Các sự kiện đang diễn ra ở Washington được mô tả là sẽ nối dài chuỗi các hoạt động nhằm củng cố vị thế của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Antony Blinken tới Fiji gặp các nhà lãnh đạo của nhóm đảo quốc Thái Bình Dương, trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Fiji trong gần 40 năm. Tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Biden bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách đàm phán với Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau về việc gia hạn Hiệp định liên kết tự do.

Hồi tháng 7/2022, tại diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, Mỹ đang khởi động “chương mới” của hợp tác với khu vực, mở các đại sứ quán mới, tăng cường tài trợ và hỗ trợ phát triển, trong bối cảnh nhiều đảo quốc Thái Bình Dương nằm trong nhóm bị tác động nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Mỹ dự kiến sẽ bổ nhiệm đặc phái viên đầu tiên phụ trách các vấn đề về quốc đảo Thái Bình Dương, đồng thời bổ sung thêm 3 phái đoàn ngoại giao ở khu vực, nâng tổng số phái đoàn của Mỹ ở đây lên 9. Washington cũng có kế hoạch sớm khôi phục hoạt động của văn phòng USAID ở Fiji.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn từ lâu hiểu rõ họ đang kẹt giữa cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, sẽ giữ khoảng cách với bất cứ nỗ lực nào, phần vì lo ngại những ưu tiên hiện nay ở khu vực của Mỹ chỉ mang tính thời điểm, phần vì họ đang ưu tiên mở rộng hợp tác để ứng phó với những vấn đề nghiêm trọng như biến đổi khí hậu hay tác động của COVID-19.

Trong diễn biến liên quan, Guardian dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân, khi được hỏi về thái độ của Bắc Kinh với hội nghị mà Mỹ vừa tổ chức, đã nhấn mạnh, các quốc đảo Thái Bình Dương có chủ quyền và có quyền xây dựng quan hệ với bất cứ nước nào. “Việc phát triển quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương không phải nhằm tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng và không nhắm mục tiêu vào bất cứ bên thứ ba nào”, quan chức Trung Quốc nêu rõ.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-no-luc-duy-tri-anh-huong-voi-cac-dao-quoc-thai-binh-duong-i669257/