Mỹ nỗ lực cứu vãn gói vũ khí 110 tỷ USD sau vụ sát hại nhà báo

Chính quyền TT Trump và giới công nghiệp quốc phòng Mỹ đang nhấn mạnh tầm quan trọng về chính trị trong việc bán vũ khí cho Saudi nhằm cứu vãn hợp đồng trước nguy cơ đổ vỡ.

Saudi Arabia đang trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhiều quốc gia lên án hành động giết hại nhà báo và đe dọa trừng phạt chống Riyadh, đặc biệt là hủy các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi.

Đức, Canada đã lên tiếng cảnh báo sẽ hủy hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD cho Saudi nếu cái chết của nhà báo Khashoggi không được làm sáng tỏ. “Hợp đồng có những điều khoản phải được tuân thủ liên quan đến việc sử dụng những gì được bán cho họ. Nếu họ không tuân thủ những điều khoản này, chúng tôi chắc chắn sẽ hủy hợp đồng”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói.

Việc một số nước dọa hủy hợp đồng khiến thương vụ bán 110 tỷ USD vũ khí cho Saudi Arabia của Mỹ đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng phê bình lãnh đạo Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi nhưng vẫn lưỡng lự trong việc trừng phạt Riyadh.

Tăng cường vận động hành lang

Trước nguy cơ hợp đồng có thể bị các nhà lập pháp hủy bỏ, giới công nghiệp quốc phòng Mỹ đang tăng cường các cuộc trao đổi, đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bán vũ khí cho các đồng minh của Mỹ.

Bản kế hoạch có tên “Kế hoạch dự phòng bán hàng quân sự cho Saudi Arabia” đã được gửi tới các nhà thầu quốc phòng thuộc Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ (AIA) trong những ngày gần đây.

Thương vụ mua bán vũ khí khổng lồ của Mỹ với Saudi có nguy cơ đổ vỡ. Ảnh: AP.

Thương vụ mua bán vũ khí khổng lồ của Mỹ với Saudi có nguy cơ đổ vỡ. Ảnh: AP.

Bản kế hoạch hướng dẫn giám đốc điều hành các nhà thầu quốc phòng tích cực giải thích, rằng việc dừng bán vũ khí có thể ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ đối với đồng minh và khách hàng nước ngoài. Kế hoạch nhằm giúp giới lãnh đạo công nghiệp quốc phòng thúc đẩy quan điểm của họ khi nói chuyện với nhân viên, nhà cung cấp, truyền thông và các nhà lập pháp.

Kế hoạch không đề cập đến lợi ích kinh tế mà chỉ nhấn mạnh vào việc bán vũ khí sẽ tăng cường mối quan hệ chính trị và quân sự giữa hai nước, cũng như uy tín của Mỹ đối với đồng minh và đối tác.

Phát ngôn viên AIA, Caitlin Hayden từ chối bình luận về email gửi cho các thành viên. Ủy ban điều hành AIA gồm giám đốc điều hành của 5 nhà thầu quốc phòng lớn là Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics.

Giới công nghiệp đứng ngồi không yên

“Các nhà thầu quốc phòng có rất nhiều điều phải lo lắng”, Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói với Reuters. Thượng nghị sĩ Corker là một trong những người có khả năng ngăn chặn việc bán vũ khí ra nước ngoài, nói với các phóng viên tại Washington, rằng một nhà thầu quốc phòng đã đến gặp ông.

Thượng nghị sĩ Corker cảnh báo rằng ngay cả trước khi xảy ra vụ sát hại nhà báo, đây không phải là thời điểm tốt để cố gắng đẩy một thỏa thuận quốc phòng lớn thông qua Quốc hội.

Nhận xét về cái chết của nhà báo Khashoggi, Corker nói: “Tôi biết rằng Quốc hội sẽ không để điều này trôi qua một cách dễ dàng. Đây là điều khiến mọi người nổi giận và đúng là như vậy”.

Thái tử Mohammed Bin Salman tham quan hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại nhà máy của Lockheed Martin vào tháng 6. Ảnh: Reuters.

Một nhóm nghị sĩ đã trình bày dự luật tại Hạ viện vào ngày 24/10, yêu cầu dừng hầu hết thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi để trừng phạt nước này sau cái chết của nhà báo.

Trong khi đó, Nhà Trắng đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm cứu vãn hợp đồng bán vũ khí cho Saudi. Peter Navarro, giám đốc Thương mại Nhà Trắng, kiến trúc sư khẩu hiệu “mua hàng từ Mỹ” của Tổng thống Trump đang tìm cách nới lỏng các hạn chế về bán hàng quân sự cho nước ngoài. Navarro được đánh giá là nhân vật quan trọng, giúp tổng thống cứu vãn thỏa thuận vũ khí với Saudi sau vụ sát hại nhà báo, một quan chức giấu tên nói với Reuters.

Trong hội nghị với các nhà thầu quốc phòng ở Arizona vào ngày 20/10, Tổng thống Trump và các trợ lý của ông đã tìm cách giảm bớt những lo ngại về việc bán vũ khí cho Saudi. Tổng thống hứa sẽ làm tất cả để giữ mọi việc đi đúng hướng.

Saudi là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Đồ họa: Reuters.

Saudi Arabia được đánh giá có vai trò chiến lược đối với chính quyền Tổng thống Trump trong việc chống lại ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Riyadh là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ. Theo Văn phòng Kiểm toán chính phủ, Saudi đã nhập khẩu tổng cộng 65 tỷ USD vũ khí từ Mỹ trong giai đoạn 2009-2016. Hủy hợp đồng bán vũ khí cho Saudi sẽ là “thảm họa” đối với công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Khi Tổng thống Trump công bố thỏa thuận vũ khí trị giá tới 110 tỷ USD với Saudi Arabia vào năm ngoái, ông nói rằng hợp đồng sẽ tạo ra 500.000 việc làm cho công dân Mỹ. Hiện tại, 5 nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ đang sử dụng 383.000 lao động.

Duy trì thỏa thuận bán vũ khí khổng lồ, trong khi vẫn phải tìm cách trừng phạt Saudi đang là bài toán hóc búa với chính quyền Tổng thống Trump. Ngay trước khi xảy ra vụ sát hại nhà báo, các nhà lập pháp Dân chủ đã chặn ít nhất 4 thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi, vì những cáo buộc không kích vào thường dân ở Yemen.

Tính chất của vụ sát hại nhà báo thậm chí còn nguy hiểm hơn. Chính quyền và các nhà thầu quốc phòng có lý do để lo ngại các nhà lập pháp sẽ đề cao yếu tố nhân quyền và sử dụng nó để chặn bán vũ khí ra nước ngoài.

Dàn vũ khí 110 tỷ USD khiến TT Trump ngại trừng phạt Saudi Arabia Lô vũ khí Mỹ dự kiến bán cho Saudi gồm nhiều tên lửa, xe tăng và các loại bom trị giá 110 tỷ USD. Tổng thống Trump lo ngại trừng phạt Saudi có thể ảnh hưởng tới hợp đồng này.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-no-luc-cuu-van-goi-vu-khi-110-ty-usd-sau-vu-sat-hai-nha-bao-post887388.html