Mỹ nhường Nga lập căn cứ tại Al-Tanf

Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga quyết định lập căn cứ quân sự mới cách khu vực Al-Tanf vốn do Mỹ kiểm soát chỉ vài km.

Được biết, căn cứ mới do Nga lập sẽ duy trì sự hiện diện lớn các quân nhân hai nước Nga và Syria. Căn cứ này nằm gần Ngã tư Zarqa, là nơi vừa xảy ra các cuộc đụng độ dữ dội giữa Quân đội chính phủ Syria (SAA) và nhóm Jaysh Mughawar Al-Thoura do Mỹ hậu thuẫn vào tối 14/12.

Chính vì vậy, việc lập căn cứ mới của Nga được cho là để kiểm soát tình hình trong khu vực. Tuy nhiên, điều bất ngờ là căn cứ mới Nga quyết định lập lại nằm gần như áp sát nơi vốn do lực lượng Mỹ kiểm soát.

Lực lượng Nga tại Syria.

Nhưng theo nhận định của của trang Al-Akhbar, mọi chuyện không có gì bất ngờ bởi trước đó, Moscow và Washington đã tiến hành đàm phán về một thỏa thuận, theo đó căn cứ quân sự của Mỹ ở Al-Tanf nằm ở phía nam của Syria (gần biên giới với Iraq) sẽ được chuyển giao cho lực lượng của Nga kiểm soát.

"Tại thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, cuộc đàm phán sơ bộ về thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ đang được tiến hành, trong đó nhiều khả năng Mỹ sẽ rút quân khỏi căn cứ quân sự ở khu vực al-Tanf và chuyển giao quyền kiểm soát căn cứ này cho Nga", phóng viên chiến trường của tờ Al-Akhbar tiết lộ.

Nguồn tin này cho biết rằng, cuộc đàm phán đã bắt đầu sau khi liên tiếp 2 tốp phiến quân đối lập Jaysh Mughawir Al-Thoura đã ra đầu hàng quân đội chính phủ. Nhóm khủng bố này thuộc chi nhánh phía Nam của "Quân đội Syria tự do" (FSA) đóng quân trong khu vực căn cứ của Mỹ.

Cuộc đào tẩu thứ nhất diễn ra vào ngày 28/7, trong số này có một thủ lĩnh cao cấp của nhóm này là Abu Housse cùng 10 tay súng tùy tùng. Tiếp theo, đến ngày 2/8 một số đơn vị của các nhóm khủng bố ở phía nam tiếp tục đầu hàng quân đội Syria.

Theo giới phân tích việc Mỹ nhường lại al-Tanf cho Nga xuất phát từ những nguyên nhân sau: Thứ nhất là căn cứ này và cả căn cứ al-Zquf đều đã trở thành vô dụng, bởi nó đã nằm trọng trong vòng vây của Quân đội Syria, dù Mỹ có huấn luyện bao nhiêu phiến quân ở đây thì cũng không thể đột phá qua vòng vây của SAA để tiến lên phía Bắc đánh Deir Ezzor. Do đó, bỏ các căn cứ vô bổ này để tập trung lực lượng về khu vực phía Bắc, mở hướng tấn công từ Raqqa hay al-Hasakah là thượng sách đối với Mỹ.

Thứ hai là thực lực của các nhóm phiến quân phía Nam Syria quá yếu ớt không thể làm nên trò trống gì ở phía Nam Syria; đồng thời lực lượng đối lập ở đây bị vây chặt, không thể tiếp viện thêm lực lượng từ phía Iraq (bị lực lượng PMU chặn đường) và phía biên giới Jordan (do bị Quân đội Syria bịt kín).

Mỹ không muốn phải chịu tình cảnh "cá nằm trong rọ" nên buộc phải bỏ căn cứ này để rút quân lên phía Bắc.

Thứ ba là một số nhóm đối lập đang đòi li khai khỏi liên minh Mỹ vì chúng chỉ muốn đánh SAA chứ không phải là IS. Do Mỹ đã trót tuyên bố là hậu thuẫn các nhóm đối lập đánh khủng bố nên không thể nuốt lời với cả Syria và các nhóm đối lập nên buộc phải tuyên bố chấm dứt hậu thuẫn các nhóm này.

Tuy nhiên, không đạt được mục tiêu tiến đánh Deir Ezzor từ hướng này thì Mỹ cũng không để Quân đội Syria đạt được thành công nhanh chóng. Do đó, bỏ căn cứ này là con bài thâm độc của Mỹ, nhằm "giải thoát" các nhóm phiến quân khỏi "lời nguyền đánh IS", khiến chúng sẽ tiếp tục tiến đánh, quấy rối SAA từ sau lưng.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-nhuong-nga-lap-can-cu-tai-al-tanf-3371101/