Mỹ nhất quyết ra tay, Thổ Nhĩ Kỳ ngồi trên đống lửa vì S-400

Sau tuyên bố mở đường về một giải pháp giảm leo thang căng thẳng về S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ vẫn giữ vững lập trường và ra tuyên bố cứng rắn.

Hỏa lực mạnh mẽ của S-400.

Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục hối thúc đồng minh Ankara loại bỏ hệ thống phòng không của Nga.

Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì sở hữu hệ thống phòng không S-400 của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi những dấu hiệu vào hôm thứ Tư và nó như một thông điệp cứng rắn của nước này. Mỹ bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ về việc “tìm ra giải pháp” cho những tranh chấp.

“Chính sách của chúng tôi với S-400 là không thay đổi”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Ông này cũng cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ hệ thống này”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao tại Washington vào 9/2. (Ảnh.Getty Images)

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao tại Washington vào 9/2. (Ảnh.Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hurriyet, số phát hành hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã phát đi tín hiệu về việc, Ankara có thể thỏa hiệp về vấn đề S-400 với Mỹ nếu nước này xem lại việc hợp tác với Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi YPG là một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), 1 lực lượng quân khủng bố.

Từ năm 2014, Mỹ đã hợp tác với YPG để đẩy IS khỏi vùng đông bắc Syria.

“Vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ chính là việc, quốc gia này hỗ trợ cho YPG, một nhánh của PKK ở Syria. Chúng tôi có thể tìm một giải pháp cho vấn đề S-400 trong những cuộc đàm phán với Mỹ. Nhưng, chúng tôi mong muốn họ có cái nhìn thật sự đúng về YPG. Nếu chúng tôi không thể tìm giải pháp (liên quan đến YPG), mối quan hệ với Mỹ sẽ chẳng đi đến đâu”, ông Akar nói với Hurriyet.

Đây là tuyên bố “mở đường” đầu tiên kể từ khi Ankara mua S-400.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc đến trường hợp của Hy Lạp để chứng minh cho lý lẽ của Ankara.

Ông Akar nói rằng, một vài quốc gia thuộc khối Warsaw cũ ở châu Âu vẫn giữ lại các hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô dù gia nhập NATO. Và, họ không phải chịu các biện pháp trừng phạt tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ. Việc giao hệ thống S-300 do Nga sản xuất từ Cộng hòa Síp đến đảo Crete của Hy Lạp năm 1998 là một ví dụ.

Ông cho biết, S-300 ở Crete hiếm khi hoạt động và chủ yếu được cất giữ, tương tự như kế hoạch hiện tại của Ankara với S-400.

“Hệ thống này sẽ được sử dụng tùy thuộc theo tình hình bị đe dọa. Chúng tôi là người quyết định điều đó”, ông Akar nói với Hurriyet.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tại cuộc họp báo ở Ankara hôm 13/01/2021. (Ảnh. Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn khác với Daily Sabah, ông Akar cũng đã đưa ra lời “đe dọa” khi tuyên bố, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự giải quyết các vấn đề nếu Mỹ tiếp tục ủng hộ YPG.

Hôm thứ Ba, Bloomberg dẫn lời 2 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, Ankara sẵn sàng nhượng bộ Washington trong vấn đề S-400, chẳng hạn như hạn chế sử dụng để duy trì mối quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ David Satterfield cho biết sẽ không có lệnh trừng phạt nào được dỡ bỏ trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400.

Chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với cơ quan mua sắm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12. Hai tháng sau khi Thổ bắn thử hệ thống phòng không trên bờ Biển Đen.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. - Ảnh: CNN.

Quan hệ giữa chính quyền ông Biden với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang có khởi đầu đầy khó khăn. Điều này làm mất đi triển vọng thiết lập lại nhanh chóng mối quan hệ bình thường giữa 2 đồng minh NATO.

Cả Tổng thống Joe Binden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều chưa gọi cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi đầu tháng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sulliva đã có cuộc nói chuyện kéo dài 1 giờ với người đồng cấp tại Ankara, Ibrahim Kalin. Trong đó, vấn đề được đề cập chính là “xử lý bất đồng một cách hiệu quả”.

HÒA AN (Theo AM)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-nhat-quyet-ra-tay-tho-nhi-ky-ngoi-tren-dong-lua-vi-s-400-a505912.html