Mỹ-Nhật phát triển radar không có điểm mù

Hệ thống mới sẽ là một hệ thống radar không quay, có thể quan sát 360 độ, do đó không có điểm mù.

Ngày 17/3, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Washington và Tokyo đang nỗ lực phát triển hệ thống radar mới cho các tàu trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis của Hải quân Mỹ. Đây được xem như một nỗ lực nhằm cải thiện khả năng phòng thủ.

Theo nguồn tin trên, hệ thống radar mới này nhằm mục đích chống lại các vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa hành trình siêu âm đang được Trung Quốc và Nga phát triển.

Việc Nhật Bản tăng cường phòng thủ không nằm ngoài mục đích đương đầu với một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Triều Tiên - nơi mà Tokyo coi là mối đe dọa khả thi đối với an ninh quốc gia.

Theo Kyodo, quyết định tham gia dự án nghiên cứu của Nhật Bản đã làm dấy lên mối lo ngại rằng, nó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường thế giới.

Hiện tại, các tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Hải quân Mỹ chủ yếu dựa vào hệ thống radar AN/SPQ-9B, có khả năng phát hiện các mối đe dọa trên không ở tầm bay thấp. Tuy nhiên hệ thống này sử dụng radar xoay truyền thống, vốn có nhiều điểm mù.

Tên lửa được phóng ra từ khu trục hạm USS Decatur (DDG-73)

Tên lửa được phóng ra từ khu trục hạm USS Decatur (DDG-73)

Hãng tin Nhật Bản tiết lộ, một chiếc AN/SPQ-9B có giá xấp xỉ 4,1 triệu USD, trong khi hệ thống mới có thể sẽ có giá cao hơn nhiều.

Hệ thống mới sẽ là một hệ thống radar không quay, có thể quan sát 360 độ, do đó không có điểm mù, và sẽ được phối hợp với các hệ thống khác, như với hệ thống AN/SPY-6 vốn nhắm đến các mục tiêu ở tầm cao và dự kiến sẽ được bắt đầu chuyển giao từ năm 2020.

Aegis ban đầu là hệ thống tên lửa phòng thủ hàng hải được Bộ phận Tên lửa và Radar nổi thuộc công ty RCA Corporation (Mỹ) phát triển, và hiện do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất.

Năm 2016, Mỹ ra mắt phiên bản hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis phóng từ mặt đất đầu tiên - gọi là Aegis Ashore - ở Romania. Nga từng nhiều lần lên án việc Mỹ triển khai hệ thống Aegis Ashore ở các nước sát biên giới Nga. Moscow lo ngại rằng, hệ thống tên lửa phòng thủ này có thể dễ dàng được sử dụng vào mục đích tấn công.

Hồi cuối tháng 1, Chính phủ Mỹ đã có ý định đề nghị Nhật Bản hợp tác đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bằng cách cho phép triển khai hệ thống radar cố định cỡ lớn tại Nhật Bản để tăng cường khả năng đánh chặn.

Lý do được Mỹ đưa ra là nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng ICBM nhằm vào nước Mỹ từ các nước đối đầu như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Theo các nguồn tin, loại radar mà Mỹ lên kế hoạch triển khai tại Nhật Bản là hệ thống radar thế hệ mới với tên gọi HDR (hệ thống radar phòng thủ nội địa). Hệ thống này có thể bám các loại ICBM nhằm vào lãnh thổ Mỹ, gồm cả Hawaii và đảo Guam, từ các địa điểm rất gần với điểm bắn.

Ngoài ra, HDR cũng được sử dụng để giám sát việc tấn công vệ tinh nhân tạo hay rác vũ trụ. Những dữ liệu mà hệ thống HDR thu thập được sẽ được chia sẻ chung với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

HDR là hệ thống radar mà quân đội Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tại Hawaii từ năm 2023. Nếu thuyết phục được Nhật Bản, hệ thống HDR cũng sẽ được triển khai tại Nhật Bản từ năm 2025. Khi đó, hai hệ thống HDR tại Hawaii và Nhật Bản sẽ được kết nối để tăng cường phạm vi hiệu quả.

Trung Kiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-nhat-phat-trien-radar-khong-co-diem-mu-3376498/