Mỹ - Nhật khởi động đàm phán thương mại

Ngày 15/4, các nhà đàm phán Mỹ và Nhật Bản đã khởi động vòng đàm phán thương mại đầu tiên - 'mặt trận' mới nhất trong chiến lược kéo dài và khiêu khích của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) và Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC ngày 15/4/2019. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) và Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC ngày 15/4/2019. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hoan nghênh đoàn đàm phán Nhật Bản, do Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi dẫn đầu, đến Washington tiến hành hai ngày đàm phán nhằm sớm đạt một thỏa thuận.

Tháng 9/2018, Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán giữa nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, đóng góp 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Thỏa thuận cho biết trước mắt, các cuộc thương lượng sẽ giải quyết vấn đề "hàng hóa cũng như các lĩnh vực quan trọng khác như dịch vụ, vốn có thể sớm đạt kết quả", trong khi để lại vấn đề nông sản Mỹ tiếp cận thị trường Nhật Bản cho các vòng đàm phán sau.

Trước thềm sự kiện, Bộ trưởng Motegi dự báo các cuộc đàm phán sẽ diễn ra "thẳng thắn", trong đó vòng đầu tiên sẽ tập trung vào việc "đưa ra quyết định về các lĩnh vực sẽ được thảo luận, đặc biệt là các loại hàng hóa". Ông cam kết: "Sẽ cố gắng hết sức trong các cuộc thảo luận để đạt một kết quả tốt phù hợp với lợi ích quốc gia."

Hiện giới chức Nhật Bản tập trung vào các vấn đề thuế, và mô tả cuộc đàm phán sắp tới là "TAG", tức là thỏa thuận thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, các quan chức thương mại của Washington đã nêu ra 22 lĩnh vực đàm phán cụ thể, trong đó có các hàng rào phi thuế quan đối với thị trường ôtô và đồng yen của Nhật Bản. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết mọi thỏa thuận sẽ bao gồm một yêu cầu ngừng "bóp méo tiền tệ" nhằm giành lợi thế trong thương mại quốc tế. Về phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết ông đang tìm kiếm "một thỏa thuận rất sớm" với Nhật Bản về việc cắt giảm thuế nông sản. Về vấn đề này, Tokyo được cho là sẽ phản ứng bằng cách đưa ra các đề xuất giảm thuế của Mỹ đánh vào hàng công nghiệp của Nhật Bản nếu Washington muốn Nhật Bản sớm mở cửa các thị trường nông sản.

Tổng thống Trump đã tập trung chú ý đến các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, và ưu tiên thúc đẩy giải quyết theo hướng ký thỏa thuận với từng quốc gia cụ thể thay cho ký các thỏa thuận đa phương. Sau khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối thủ và cả đồng minh, các nhà đàm phán thương mại của Tổng thống Trump đã hoàn tất một thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ mới với Canada và Mexico (USMCA) và một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc. Mỹ cũng đang bước vào giai đoạn cuối cùng của một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong khi chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe sẽ có nhiều cơ hội để thảo luận về thương mại trong thời gian tới. Dự kiến, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ thăm Mỹ cuối tháng này và ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 5 tới để bày tỏ lòng kính trọng với tân Nhật Hoàng Naruhito, người sẽ đăng quang vào ngày 1/5. Ông Trump sau đó sẽ trở lại Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong các ngày 28-29/6 tới.

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/my-nhat-khoi-dong-dam-phan-thuong-mai-20190416120750882.htm