Mỹ-Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đồng ý đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/1. (Nguồn: AP)

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21/1. (Nguồn: AP)

Theo Economic Times, trong cuộc gặp trực tuyến kéo dài 80 phút ngày 21/1, Tổng thống Joe Biden cho biết liên minh lâu đời giữa Washington và Tokyo là nền tảng của hòa bình và an ninh trong khu vực chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Trong một dòng tweet sau cuộc họp, ông Biden viết: "Rất vinh dự được gặp Thủ tướng Kishida để củng cố hơn nữa liên minh Mỹ-Nhật Bản, một nền tảng của hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới".

Nhà Trắng tuyên bố trong một bản tin: "Với tư cách là các cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật Bản đoàn kết với mục đích chung là duy trì và nâng cao cam kết của chúng ta đối với khu vực.

Hai nhà lãnh đạo quyết tâm đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".

Mỹ, Ấn Độ và một số cường quốc khác trên thế giới đã nói về sự cần thiết phải đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phát triển mạnh trong bối cảnh Trung Quốc điều động quân sự trong khu vực.

Trung Quốc đã xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ các đồng minh trong khu vực bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong một tuyên bố, chính phủ Nhật Bản cho biết "hai nhà lãnh đạo chia sẻ ý định phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ liên minh bền chặt Nhật Bản-Mỹ và tăng cường hợp tác với các nước cùng chí hướng như Australia, Ấn Độ, ASEAN và châu Âu, hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cam kết hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), hai nhà lãnh đạo coi đây là một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ông Biden và ông Kishida cũng quyết định đảm bảo rằng nhóm Bộ tứ mang lại kết quả thiết thực trong các lĩnh vực như ứng phó với dịch Covid-19, khí hậu và năng lượng sạch cũng như cơ sở hạ tầng.

Thông tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden hoan nghênh lời mời của Thủ tướng Kishida đến thăm Nhật Bản để tham dự cuộc họp tiếp theo của 4 nhà lãnh đạo vào nửa đầu năm 2022.

Theo South China Morning Post, Mỹ đang điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ muốn tiếp tục cân bằng với Trung Quốc về mặt quân sự mà không gây ra sự ngỡ ngàng với các bạn bè và đồng minh trong khu vực.

Washington cũng tăng cường chiến dịch áp dụng luật pháp, gần đây đã chính thức công bố một tài liệu phản đối các yêu sách phi lý của Bắc Kinh và cáo buộc nước này vi phạm “trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ”.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-nhat-ban-no-luc-ngan-chan-trung-quoc-thay-doi-hien-trang-o-bien-dong-172044.html