Mỹ - Nhật - Ấn - Australia sắp liên minh tuần tra Biển Đông, 'dằn mặt' Trung Quốc?

Giới chuyên gia cho rằng, việc Mỹ - Nhật - Ấn - Australia liên minh tiến hành tuần tra trên Biển Đông sẽ là hành động kiềm chế những tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Theo tờ Stars & Stripes, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sibal nhận định sức mạnh kinh tế ngày một lớn cùng "những hành vi mang tính phá hoại" của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở ra nguy cơ lần đầu tiên một cường quốc có khả năng kiểm soát cả lục địa châu Á và các vùng biển xung quanh.

Hải quân Mỹ - Nhật - Ấn tham gia cuộc tập trận Malabar 2019 hồi tháng Chín. (Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản)

Hải quân Mỹ - Nhật - Ấn tham gia cuộc tập trận Malabar 2019 hồi tháng Chín. (Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản)

"Ấn Độ xem Trung Quốc là thách thức lớn nhất. Trong lịch sử, chưa từng có quốc gia nào mở rộng tầm ảnh hưởng với tốc độ như vậy", ông Sibal đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc đang tăng cường các hành động bắt nạt.

Phát biểu tại hội thảo về quyền lực biển trước thềm cuộc thao diễn hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng sự tham gia của các lực lượng hải quân nước ngoài vào ngày 15/10 tới, ông Sibal và các chuyên gia tới từ Mỹ, Nhật Bản và Australia đã bàn luận về tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như những căng thẳng gần đây ở Biển Đông.

Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông và biển Hoa Đông bất chấp cộng đồng quốc tế xem hai vùng biển chiến lược này là khu vực mở và tự do.

Còn theo thông cáo từ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cuộc thao diễn vào ngày 15/10 trên vịnh Sagami, phía tây nam thủ đô Tokyo sẽ có sự tham gia của 46 tàu chiến và 40 máy bay bao gồm từ các lực lượng của Trung Quốc, Mỹ, Canada, Singapore, Anh, Ấn Độ và Australia.

Đáng nói, Trung Quốc lần đầu tiên điều động tàu khu trục mới nhất và hiện đại nhất của nước này là khu trục hạm tên lửa dẫn đường Type 052D mang tên Taiyuan 131 chở theo một chiếc trực thăng và thủy thủ đoàn 200 người tới Nhật Bản.

Stars & Stripes cho hay, các chuyên gia tham gia cuộc họp đều có chung quan điểm rằng, những nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cần kết hợp sức mạnh hải quân để đối phó trước tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngoài ra, theo ông Sibal, mối quan ngại của Trung Quốc là việc cộng đồng quốc tế muốn ngăn cản nước này mở rộng tầm hưởng. Về phần mình, Trung Quốc xem đây là hành động không chính đáng.

"Ý tưởng không phải là bao vây Trung Quốc. Mục tiêu ở đây là hạn chế một cách thực chất những hành vi mang tính phá hoại của Trung Quốc càng nhiều càng tốt", ông Sibal chia sẻ.

Chuẩn Đô đốc hải quân Mỹ James Pitts, Tư lệnh Nhóm tàu ngầm số 7 đặt trụ sở ở căn cứ hải quân Yokosuka của Nhật Bản cho rằng, việc 4 nước gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Australia đều có lợi ích chiến lược ở khu vực. Và Ấn Độ - Thái Bình Dương đang “nhanh chóng trở thành trọng tâm kinh tế toàn cầu”.

Cụ thể, theo ông Pitts, gần 60% thương mại thế giới đi qua Biển Đông và là nơi diễn ra 1/3 hoạt động vận tải hàng hải quốc tế. Biển Đông chính là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương và điểm trung chuyển của nhiều lực lượng hải quân quốc tế.

Cũng theo ông Pitts, việc 4 nước "kết hợp sức mạnh trên biển sẽ tiếp tục là nền tảng mang tính then chốt" cho sự ổn định và thịnh vượng trên toàn khu vực.

Hiện tại, Hạm đội 7 của Mỹđóng quân ở Yokosuka vẫn giữ vai trò là lực lượng chính trong khu vực. Đây cũng là hạm đội có số lượng đông nhất của hải quân Mỹ.

Ông Pitts cho biết, trong khu vực Hạm đội 7 đảm trách có từ 50 – 70 tàu chiến và tàu ngầm cùng 140 máy bay và gần 20.000 thủy thủ cùng lính thủy quân lục chiến.

Ông David Brewster, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Australia nhận định, Mỹ vẫn là cường quốc đứng đầu tại khu vực. Tuy nhiên, khả năng áp đảo của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương đang giảm đi đáng kể trước sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Do đó, theo ông Brewster, để duy trì vị thế, Mỹ cần đầu tư nhiều hơn cho những mối quan hệ đối tác an ninh trên khắp khu vực Thái Bình Dương.

"Nhiều người nói Chiến tranh Lạnh lần thứ 2 đang hình thành tại khu vực. Chúng ta cần có thêm nhiều bạn mới, những mối quan hệ mới và liên minh mới trong những năm sắp tới", ông Brewster nói.

Nhà nghiên cứu Brewster cũng cho rằng, Mỹ - Nhật - Ấn – Australia cần "tăng cường phối hợp trách nhiệm tuần duyên" bởi các lực lượng tuần duyên hoạt động ở khu vực sẽ ít mang tính chính trị hơn so với việc điều động chiến hạm.

"Một đội tàu tuần duyên là lựa chọn không gây tranh cãi cho hoạt động hợp tác", ông Brewster cho hay.

Về phần mình, lực lượng hải cảnh Mỹ cũng đang tiến hành thêm các hoạt động ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như điều động hai tàu tuần duyên tới khu vực trong năm nay. Trong đó, sự kiện tàu tuần duyên Bertholf đi qua eo biển Đài Loan hồi tháng Ba là lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ.

Theo số liệu từ chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, kể từ năm 2010, Trung Quốc đã trái phép cải tạo và quân sự hóa trên 27 hòn đảo và bãi đá ngầm nằm trên Biển Đông.

Minh Thu (lược dịch)

Từ khóa: mỹ tuần tra biển đông Trung Quốc căng thẳng biển đông chủ quyền biển đông tranh chấp chủ quyền biển đông eo biển đài loan hạm đội 7 của mỹ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/my-nhat-an-australia-sap-lien-minh-tuan-tra-bien-dong-dan-mat-trung-quoc-post315982.info