Mỹ nhằm vào ngành tài chính Trung Quốc

3 ngân hàng lớn của Trung Quốc có thể mất khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.

Diễn biến mới nhất trong căng thẳng My ̃- Trung bắt đầu tập trung vào lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Mỹ cáo buộc ngân hàng Trung Quốc giúp đỡ Triều Tiên, có thể có thể mất khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ

Mỹ cáo buộc ngân hàng Trung Quốc giúp đỡ Triều Tiên, có thể có thể mất khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ

Ba ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc không thực hiện lệnh của tòa án liên quan đến cuộc điều tra về vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. 3 ngân hàng này gồm Ngân hàng Viễn thông, Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải.

Bộ Tư pháp Mỹ trước đó cáo buộc các ngân hàng này hợp tác với một công ty Hong Kong bị cho là đã rửa tiền với số lượng hơn 100 triệu USD cho Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên.

Dù liên quan đến các lệnh trừng phạt Triều Tiên nhưng 3 công ty này bị buộc tội bởi một thẩm phán Mỹ lại được đề cập tới trong một thời điểm nhạy cảm. Cùng ngày các cáo buộc được đưa ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều phát đi các tín hiệu nối lại cuộc đàm phán thương mại nhằm kỳ vọng có được thỏa thuận tại Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.

Đại diện thương mại Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cũng tiết lộ, đội đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở trong quá trình thảo luận nhưng không cho biết hình thức và địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán.

Lần này, Tổng thống Mỹ cũng có giọng điệu nhẹ nhàng hơn trước cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc. Ông nói sẽ “hài lòng với mọi kết quả của cuộc gặp”. Khác với các tuyên bố trước đây, Tổng thống Mỹ cho rằng, nếu không có thỏa thuận với Trung Quốc, Mỹ vẫn sẽ có hàng tỷ USD tiền thuế từ các chiêu thức thuế quan mà ông đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, thậm chí có thể còn áp đặt thuế quan lên tất cả hàng hóa của Trung Quốc muốn nhập khẩu vào Mỹ, trị giá khoảng 300 tỷ USD.

Dù phản ứng có phần dịu bớt đối đầu, việc Washington phán quyết 3 ngân hàng Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho thấy ông Trump vẫn muốn có phản ứng răn đe với Bắc Kinh. 3 ngân hàng này có thể mất khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ không gây ra cú sốc lớn với thị trường tỉ dân nhưng nó sẽ là cú phủ đầu của Mỹ cho thấy họ không từ bỏ các sức ép.

Cú đánh vào hệ thống tài chính vừa có tác dụng “nhắc nhở” Trung Quốc rằng Washington vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nắm giữ toàn bộ giao dịch tiền tệ trên toàn cầu, lại vừa cảnh báo Bắc Kinh chớ nên sử dụng Triều Tiên và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để làm con tin với Mỹ.

Trước đó, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng và hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong- un. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý liên lạc chiến lược chặt chẽ và làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng là tín hiệu gửi cho Mỹ, ai mới là người có thể giải quyết vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Về vấn đề hạt nhân, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi nỗ lực của Triều Tiên trong tiến tới phi hạt nhân hóa và cho biết ông hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể tiếp tục đàm phán và đạt được tiến triển.

Trong khi đó, ông Kim được cho là đã có phát biểu ám chỉ tới Mỹ không ghi nhận các nỗ lực của Triều Tiên sau kết quả không tốt đẹp tại Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ hai hồi tháng 3 vừa qua.

Ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định vị trí của Trung Quốc với Triều Tiên là không thay đổi. Ông nói: “Trung Quốc vẫn là người ủng hộ quan trọng của Triều Tiên và lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Bán đảo Triều Tiên luôn nhất quán”.

Trung Quốc luôn thúc đẩy “ba không” trên Bán đảo Triều Tiên: không vũ khí hạt nhân, không chiến tranh và không hỗn loạn.

Theo ông Zhang Baohui, mặc dù Trung Quốc phối hợp với cộng đồng quốc tế để phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên nhưng nước này phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể dẫn tới chiến tranh và bất ổn. Vị trí địa chính trị sát nhau giữa Triều Tiên và Trung Quốc có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách này để đảm bảo lợi ích cốt lõi.

Các nhà quan sát cho rằng khi có được cam kết của Chủ tịch Kim Jong-un trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên qua phương tiện chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có thêm lợi thế để “mặc cả” với Tổng thống Trump trong cuộc gặp sắp tới.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-nham-vao-nganh-tai-chinh-trung-quoc-3382627/